"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
giao-hang-truc-tuyen-vung-nui.jpg

Mua sắm online tiết kiệm chi phí

Số liệu được công bố trong Báo cáo nghiên cứu về hình thức kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới, do Ninja Van Group và DPDgroup thực hiện. Báo cáo được triển khai tại 6 nước Đông Nam Á (ASEAN) gồm: Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, với 5.000 người trả lời.

Với mức trung bình 104 đơn mỗi năm, người Việt có tần suất mua sắm online cao hơn hẳn so với người dân các nước xếp tiếp sau là Thái Lan (75 đơn/năm), Singapore và Philippines (cùng 58 đơn/năm). Trong khi đó, trung bình khu vực là 66 đơn mỗi năm. Chiếm tỷ trọng lớn trong các đơn hàng của người Việt là sản phẩm tiêu dùng nhanh, quần áo và giầy dép.

Không chỉ dẫn đầu về đơn mua, 59% người tiêu dùng Việt cho biết đã từng nhiều lần đặt hàng hoặc mua sắm trên các website quốc tế. Đây là tỷ lệ cao thứ hai khu vực, chỉ sau Singapore. Báo cáo tính toán, Việt Nam đang chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau Thái Lan với tỷ lệ 16% và ngang bằng với Philippines.

Trong báo cáo của Ninja Van Group và DPDgroup, tiết kiệm tiền là lý do chính khiến người dùng mua sắm trực tuyến, với 76% người Việt được hỏi đồng ý. Tỷ lệ này đứng thứ hai tại Đông Nam Á, sau Indonesia (77%). Tuy nhiên, miễn phí giao hàng lại không phải là động lực quan trọng để mua sắm online của người Việt, khi chỉ có 26% đồng ý - tỷ lệ thấp nhất khu vực.

Theo đánh giá của J&T Express, thói quen mua sắm trực tuyến được phát triển mạnh mẽ trong tâm điểm Covid-19 và được duy trì khá bền vững ngay cả sau dịch. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử "bùng nổ" không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở nông thôn, khu vực miền núi. Sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, chuyển dịch từ mua sắm trực tiếp sang trực tuyến, đã mang đến cho ngành chuyển phát nhanh nhiều cơ hội phát triển. Tỷ lệ người dân sử dụng smartphone có kết nối internet tại nông thôn và khu vực miền núi rất cao giúp thương mại điện tử tại các khu vực này tăng nhanh và việc mua sắm online trở nên tiện lợi, nhẹ nhàng.

Trước đó, nhiều dự báo khác cũng cho kết quả tương đồng về sự phát triển của kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam. Theo Statista, Việt Nam dự kiến sở hữu thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia trước năm 2025. Việt Nam hiện có mức mua hàng trung bình (ABS) là 26USD, cao hơn hai nước đông dân là Thái Lan (25USD) và Indonesia (18USD).

Google và Bain & Company cũng dự báo quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

mua-truc-tuyen.jpg

Tiềm năng lớn của logistics bán lẻ

Báo cáo chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility vừa công bố cho thấy, năm 2021, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu. Logistic được dự báo là ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn ở Việt Nam trong tương lai với tốc độ phát triển nhanh, lên đến 13 - 15%/năm.

Việt Nam hiện có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó, chiếm 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, còn có một số công ty xuyên quốc gia chuyên cung cấp dịch vụ logistics có kinh doanh tại thị trường Việt Nam như Maersk Line, DHL, Kuehne + Nagel...

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Thị trường logisitcs tại Việt Nam được đánh giá cao, đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khối các nước ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan). So với một số nước châu Âu, dịch vụ logistics của Việt Nam vẫn tốt hơn một số quốc gia thuộc khối Đông Âu như Bulgari (51), Nga (99), Ukraine (73) và hơn phần lớn các quốc gia châu Phi khác.

Cũng theo các báo cáo, sự phát triển vượt trội của ngành thương mại điện tử kéo theo sự tăng trưởng về logistics bán lẻ trên toàn khu vực. Thị trường logistics bán lẻ được chia thành logistics bán lẻ thông thường và logistics bán lẻ thương mại điện tử. Phương thức vận tải trong thị trường logistics bán lẻ lại được chia thành đường sắt, đường hàng không, đường bộ và đường thủy. Đến nay, vận tải đường bộ thu về tỷ trọng cao nhất trong trong thị trường logistics bán lẻ với doanh thu trên 100 tỷ USD. Do nhu cầu sử dụng các phương tiện vận tải đường bộ để vận chuyển sản phẩm bán lẻ đường dài, đặc biệt với thị trường nội địa, vận tải đường bộ trở thành sự lựa chọn tốt cho các doanh nghiệp logistics bán lẻ.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, thị trường logistics bán lẻ thương mại điện tử sẽ nắm thị phần doanh thu đáng kể vào năm 2020 và sự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. Phân tích các tác động dẫn đến sự tăng trưởng của thị trường logistics bán lẻ toàn cầu, Research and Markets cho rằng, việc tăng cường tích hợp máy bay không người lái giúp nâng cao tính linh hoạt và tốc độ giao hàng từ đó tác động tích cực đến sự tăng trưởng của thị trường logistics bán lẻ trong giai đoạn tới. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, blockchain, máy học cho phép nâng cao doanh thu.

Theo dự báo của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi trở lại cao ở mức 6 - 6,5% vào năm 2022. Đây chính là lý do các nước đang phát triển như Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp logistics mở rộng quy mô hoạt động.

Theo Đời sống
back to top