Khu tưởng niệm Bùi Hữu Nghĩa, một trong bốn rồng vàng tại Bình Thủy, Cần Thơ.
Bùi Hữu Nghĩa nổi tiếng thơ hay nên trong dân gian vẫn tương truyền câu thơ: “Đồng Nai có bốn rồng vàng – Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi”.
Người đánh dấu sự biến chuyển của tuồng
Cảm hứng nổi bật trong thơ Bùi Hữu Nghĩa là nỗi niềm chua xót và tấm lòng vàng đá đối với đất nước, sự khao khát được trở lại một thuở thăng bình theo lý tưởng Nho giáo.
Ông thường vịnh vật để tỏ thái độ khinh thị bọn người có địa vị trong xã hội đương thời, bất tài và hãnh tiến; vịnh các nhân vật lịch sử để bộc bạch tâm sự bất đắc chí, sinh không gặp thời…
Bên cạnh đó, văn thơ ông dành cho vợ cho con cũng rất chân thật, cảm động. Đặc biệt, vở tuồng ba hồi “Kim Thạch kỳ duyên” diễn tả cuộc tình duyên đầy sóng gió giữa chàng Kim Ngọc và nàng Thạch Võ Hà. Chủ ý của tác giả ca ngợi tình yêu chung thuỷ, khinh ghét kẻ tham vàng bỏ ngãi, chiến thắng độc ác, vượt ra ngoài chủ đề tôn quân.
Từ điển bách khoa toàn thư đánh giá: Cùng với các vở của Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, vở “Kim Thạch kỳ duyên” của Bùi Hữu Nghĩa đánh dấu sự chuyển biến của tuồng Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Đời sống gia đình trắc trở
Về người vợ của Bùi Hữu Nghĩa, bà Nguyễn Thị Tồn không rõ năm sinh năm mất, người thôn Mỹ Khánh, tổng Chánh Mỹ Thượng, huyện Phước Chính, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc Đồng Nai); tuy cứu được chồng, nhưng khi trở về Biên Hòa, thì lâm bệnh mất và được an táng ở đó… để lại ba người con.
Nghe tin vợ mất, bấy giờ Bùi Hữu Nghĩa đang ở biên trấn xa xôi, nên khi đến Biên Hòa thì việc an táng đã xong, ông đành làm bài văn tế muộn, một cặp câu đối (một chữ Hán, một chữ Nôm) để tỏ lòng thương tiếc.
Cặp đối chữ Hán như sau: “Ngã bần, khanh năng trợ; ngã oan khanh năng minh, triều dã giai xưng khanh thị phụ – Khanh bệnh, ngã bất dược; khanh tử ngã bất táng, giang sơn ưng tiếu ngã phi phu”.
Dịch là: “Ta nghèo, mình hay giúp đỡ; ta tội, mình biết kêu oan, trong triều ngoài quận đều khen mình mới thật là vợ – Mình bịnh, ta không thuốc thang; mình chết, ta không chôn cất; non sông cười ta chẳng xứng gọi là chồng”.
Sau khi vợ qua đời, Bùi Hữu Nghĩa tiếp tục ở đồn Vĩnh Thông, rồi tục huyền với bà Lưu Thị Hoán – con gái ông xã trưởng Lưu Văn Dụ, sau này sinh được 4 người con nữa.
Sở dĩ vợ sau Bùi Hữu Nghĩa có tên là Hoán do nguyên nhân sau. Được biết Thủ khoa Nghĩa phải lòng cô Lưu Thị Chỉ – con ông Lưu Văn Dụ; đám cưới sắp cử hành, thì ông có việc phải đi xa, nên nhờ chị ruột là Bùi Thị Thừa đi rước dâu.
Khi ông trở về mới hay cô dâu không phải là ý trung nhân. Biết đàng gái tráo hôn, đem người chị tên Ý thay thế người em tên Chỉ, ông vô cùng hối tiếc nhưng việc đã lỡ rồi, nên đành hận và đổi tên Ý ra tên Hoán (Hoán có nghĩa là đổi, ý nói đã đổi từ cô Chỉ sang cô Ý.
Sau này, viết tuồng Kim Thạch kỳ duyên, ông đã gửi trọn tâm tư cuộc đời của mình và ông đã nặng nề trách con người manh tâm tráo hôn…
Ngưỡng mộ công đức của Bùi Hữu Nghĩa, nhân dân trong vùng đã lập thần chủ, bài vị tôn thờ vợ chồng ông ở đình Bình Thủy và chùa Nam Nhã.
Hàng năm vào ngày 21 tháng giêng đều tổ chức lễ giỗ ông. Nhân dân Nhị Long (Càng Long, Trà Vinh) cũng lập đình Long Thạnh thờ phụng Bùi Hữu Nghĩa. Ngoài ra, tên ông cũng được nhiều tỉnh, thành trong nước, chọn đặt tên cho trường học và đường phố.
Cuộc đời Bùi Hữu Nghĩa là cuộc đời của một nhà yêu nước nhiệt thành, một nhà tư tưởng có nhiều quan điểm tiến bộ, một vị quan cương trực, thanh liêm, bất khuất trước cường quyền, một nhà văn hóa lớn, một soạn giả tuồng bậc thầy, một nhà thơ nổi tiếng, xứng đáng với danh hiệu là một “Rồng vàng” trên văn đàn Đồng Nai mà nhân dân truyền tụng.
TS Nguyễn Thành Hữu