Bỏng giác mạc do gội đầu bằng nước hạt na: Lời cảnh tỉnh cho cha mẹ

Trong hạt na có chứa độc tố, nếu để nước này chảy vào mắt có thể gây bỏng mắt, bỏng biểu mô giác mạc, chữa trị không đúng dễ gây viêm loét giác mạc, dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.

Mới đây, phòng khám Mắt tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã tiếp nhận một số ca bệnh liên quan đến tình trạng bỏng giác mạc ở trẻ em. Nguyên nhân được xác định là do gia đình sử dụng nước đun từ hạt na để gội đầu cho trẻ.

Các bệnh nhi đến khám với triệu chứng điển hình như: khó mở mắt, mi mắt sưng nề đỏ, kết mạc cương tụ toàn bộ, phù nề, giác mạc phù và trợt rộng biểu mô. Khi tìm hiểu nguyên nhân, các bác sĩ được biết rằng cha mẹ đã đập giập hạt na, sau đó đun nước để gội đầu cho con, dẫn đến việc nước hạt na vô tình chảy vào mắt trẻ.

Trẻ bị bỏng giác mạc do gội đầu bằng nước hạt na. Ảnh BVCC

Trẻ bị bỏng giác mạc do gội đầu bằng nước hạt na. Ảnh BVCC

Ngay sau đó bệnh nhi được rửa mắt và dùng thuốc theo đúng phác đồ. Sau điều trị 1 tuần tại khoa Mắt bệnh viện Trẻ em Hải Phòng thì mắt đã khỏi hoàn toàn.

Mặc dù theo dân gian, hạt na được cho là có tác dụng trị chấy, nhưng thực tế chúng chứa nhiều chất độc hại. Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng trong hạt na có chứa các acetogenin như squamosten A, anoslin, neo-desacetyluvaricin, neo-anonin-B, neo-reliculatacin A, các squamocin và squamostatin. Những hợp chất này không chỉ gây ngộ độc mà còn có thể gây bỏng biểu mô giác mạc khi tiếp xúc với mắt. Hậu quả nghiêm trọng có thể dẫn đến viêm loét giác mạc, giảm thị lực vĩnh viễn, thậm chí gây mù lòa cho trẻ nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Để ngăn ngừa những trường hợp tương tự trong tương lai, các chuyên gia y tế khuyến cáo đến các bậc phụ huynh: tuyệt đối không sử dụng nước đun từ hạt na để gội đầu cho trẻ. Nếu lỡ bị vào mắt thì kịp thời rửa mắt bằng nước muối sinh lý, rửa càng nhiều càng tốt, không được dùng bất cứ vật gì dụi vào mắt, đồng thời đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được khám và xử trí kịp thời. Tuyệt đối không tự mua thuốc về dùng khi chưa có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mắt.

Theo Đời sống
back to top