Tích cực bán chịu để tăng doanh thu
Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu thuần bán hàng của Rạng Đông đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 139,5 tỷ đồng, tăng 46,8% so với quý 1/2020.
Cùng với mức tăng doanh thu là các khoản công nợ phải thu của Rạng Đông tăng mạnh 18%. Tổng công nợ phải thu của Rạng Đông tính đến ngày 31/3/2021 là 2.468 tỷ đồng, chiếm quá nửa tổng tài sản của công ty (chiếm 55% tổng tài sản).
Các khoản bán chịu cho khách hàng lên tới 2.426 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu khó đòi là hơn 182 tỷ đồng. Rạng Đông đã trích lập dự phòng rủi ro hơn 108 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu này.
Việc chấp nhận tăng cường bán chịu để tăng doanh thu giống như dao hai lưỡi đối với doanh nghiệp. Một mặt, Rạng Đông ghi nhận được giá trị doanh thu và lợi nhuận tăng cao đột biến. Mặt khác, Rạng Đông sẽ phải chịu rủi ro về thiếu hụt dòng tiền sản xuất kinh doanh, do quá nhiều vốn của doanh nghiệp bị đối tác chiếm dụng.
Điều này được thể hiện rõ khi dòng tiền thuần sản xuất kinh doanh của Rạng Đông âm 7,6 tỷ đồng.
Rạng Đông buộc phải tăng cường vay nợ để bù đắp những hao hụt dòng tiền trong kinh doanh và đầu tư. Nợ phải trả của Rạng Đông theo đó cũng tăng lên 3.329 tỷ đồng (tăng 13% so với đầu năm 2021).
Do khách hàng nợ đọng nhiều, Rạng Đông không có tiền trả cho bên cung cấp, nên phải mua chịu nhiều hơn, nợ nhà cung cấp nhiều hơn. Khoản nợ phải trả các nhà cung cấp trong quý 1/2021 nhiều gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, lên tới 880 tỷ đồng. Các khoản vay nợ tài chính (vay ngân hàng và đối tượng khác) là 2.763 tỷ đồng.
Kinh phí công đoàn vẫn chưa được Rạng Đông chi trả từ nhiều năm nay (nợ hơn 7 tỷ đồng). Bảo hiểm xã hội của người lao động trong 3 tháng đầu năm cũng chưa được Rạng Đông đóng cho cơ quan bảo hiểm.
Dù báo lãi khủng trong quý đầu năm, Rạng Đông vẫn còn nợ các Quỹ xã hội hàng chục tỷ đồng như phải trả Quỹ Tương thân tương ái 12 tỷ đồng, nợ Quỹ Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa 19 tỷ đồng và chưa trả cho khách hàng khuyến mại có giá trị hàng tỷ đồng...
Mới đây, Rạng Đông đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhắc nhở vì chậm nộp Báo cáo thường niên 2020 theo quy định. Theo giải trình của lãnh đạo công ty, đầu năm 2021, Rạng Đông tập trung vào việc tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và báo công với Bác Hồ nhân 57 năm ngày Bác về thăm công ty.
Do đó, công ty chậm công bố thông tin và gia hạn họp Đại hội đồng cổ đông 2021.
Mở rộng quỹ đất
Công ty Rạng Đông vốn là doanh nghiệp nhà nước và được cổ phần hóa vào năm 2004 theo quyết định của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương).
Tháng 8/2015, Công ty Rạng Đông trở thành doanh nghiệp vốn tư nhân theo quyết định của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Rạng Đông có hai nhà máy lớn ở Hà Nội và Bắc Ninh, trong đó có khu đất tại số 87 - 89 Hạ Đình (trước đây là 15 Hạ Đình, thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) với diện tích hơn 5,7ha, do Công ty Rạng Đông quản lý, sử dụng theo quyết định cho thuê năm 2005 và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quyết định của UBND TP Hà Nội năm 2007.
Trong những năm 2017 - 2018, Rạng Đông đã nhiều lần xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để lập quy hoạch phân khu đô thị với mục đích kinh doanh tại “khu đất vàng” của quận Thanh Xuân này. Đồng thời, cũng xin bổ sung ngành nghề kinh doanh Bất động sản. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất mấy lần đều không được phê duyệt. Và Nhà máy Rạng Đông vẫn không nằm trong danh sách phải di dời ra khỏi nội đô.
Đến năm 2019, hỏa hoạn bất ngờ xảy ra tại nhà máy Rạng Đông ở khu đất này. Rạng Đông đã ghi nhận khoản bồi thường do hỏa hoạn số tiền 152 tỷ đồng từ Bảo hiểm PVI vào thu nhập khác của công ty trong năm 2019.
Ngay sau sự cố hỏa hoạn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội lập tức yêu cầu khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới do sự cố ô nhiễm môi trường, đúng theo mục đích ban đầu mà Rạng Đông hướng tới.
Cũng vào thời gian này, Hội đồng quản trị Công ty Rạng Đông quyết định mua thêm đất làm trụ sở làm việc và kho cho 2 chi nhánh Công ty với dự toán 42 tỷ đồng tại TP Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai) và TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk).
Vào tháng 4/2021, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đối với Công ty Rạng Đông xây dựng nhà máy sản xuất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Cụ thể, Rạng Đông sẽ là chủ đầu tư xây dựng nhà máy trên lô đất khoảng 7,1ha. Quy mô xây dựng khoảng 142.00m2. Quy mô lao động 1.400 người trong giai đoạn ổn định. Thời gian thuê đất là 50 năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.334 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 540 tỷ đồng và huy động vay vốn 1.794 tỷ đồng. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thiện và chạy thử trong quý 3/2024 đến quý 1/2025.
Nhiều ý kiến cho rằng, Rạng Đông trong cái rủi lại gặp quá nhiều cái may. Thiệt hại tài sản do hỏa hoạn đã được công ty bảo hiểm đền bù, nên Rạng Đông không mất mát gì (ngoại trừ việc người dân sống xung quanh nhà máy Rạng Đông phải hứng chịu ô nhiễm nặng từ nhà máy).
Nút thắt trong việc xin di dời nhà máy và chuyển đổi mục đích sử dụng đất bỗng chốc được tháo gỡ dễ dàng. Hiện, dư luận chỉ quan tâm, trên lô đất vàng tại 87 - 89 Hạ Đình sau này sẽ là toà nhà chung cư và văn phòng cho thuê cao bao nhiêu tầng?