Bệnh nhân Nguyễn Thị Đ. (67 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) nhập viện do bị ngã cầu thang. Trước đó, bệnh nhân có tiền sử tai biến. Khi vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bệnh nhân đi lại khó khăn, đau dai dẳng lưng thường xuyên.
BSCK II Hoàng Xuân Tuệ thăm khám cho bệnh nhân Đ. sau khi thực hiện kỹ thuật bơm xi măng sinh học
Sau khi được các bác sĩ thăm khám, chụp X-quang, cắt lớp vi tính cột sống thắt lưng. Kết quả chụp cho thấy, bệnh nhân bị xẹp đốt sống thắt lưng L1. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn và đưa ra phương pháp bơm xi măng sinh học vào thân đốt sống cho bệnh nhân.
Chia sẻ về kỹ thuật này, BSCK II Hoàng Xuân Tuệ, Trưởng khoa Chấn thương cho biết, dưới các thao tác của kỹ thuật viên điều khiển máy C-ARM các bác sĩ xuyên một loại kim đặc biệt qua da đi vào thân đốt sống L1 bị xẹp ở lưng, sử dụng bóng bơm làm cho thân đốt sống phồng lên sau đó bơm xi măng vào thân đốt sống của bệnh nhân. Lớp xi măng cứng dần lên chỉ sau 1 giờ, bệnh nhân hầu như hết đau, sau 6 giờ có thể tự ngồi dậy, sau 1 ngày tập đi lại bình thường và sau 3 ngày bệnh nhân được xuất viện.
BSCK II Hoàng Xuân Tuệ cũng nhấn mạnh, xẹp thân đốt sống là một biến chứng nguy hiểm do loãng xương, thường gặp ở những phụ nữ sau mãn kinh, người già trên 60 tuổi hay ở một số trường hợp hay dùng những loại thuốc giảm đau có tác dụng phụ làm loãng xương như corticoid.
Ngoài ra, có những chấn thương cột sống nhẹ do va đập hoặc vận động nặng hoặc cũng có thể tự phát do sức nặng của cơ thể cũng có thể gây ra xẹp đốt sống hay còn gọi là gãy lún đốt sống. Đây là một phương pháp đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam.
Kỹ thuật này được chỉ định điều trị trên bệnh nhân bị xẹp đốt sống do loãng xương hoặc chấn thương. Xẹp đốt sống thường gây đau đớn kéo dài, gù lưng, khó khăn trong vận động, di chuyển và thậm chí còn có thể bị liệt.
So với các phương pháp truyền thống, kỹ thuật này ưu việt hơn vì ít xâm lấn, giảm đau nhanh và giúp bệnh nhân hồi phục tốt, rút ngắn thời gian nằm viện, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân giúp họ trở lại các sinh hoạt đời thường hàng ngày mà không phải dùng thêm thuốc hay các phương pháp phục hồi chức năng nào khác.
Phạm Hằng