Bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên: Kiến thức không mới, lãng phí

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều giáo viên phản ánh, kiến thức của các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không có gì mới, lãng phí thời gian và công sức của giáo viên.

Lãng phí thời gian, công sức của giáo viên

Chùm thông tư về tiêu chuẩn, chức danh giáo viên các cấp từ mầm non đến phổ thông của Bộ GD&ĐT vừa ban hành đã làm dấy lên nhiều băn khoăn, thắc mắc cũng như bức xúc của giáo viên xung quanh vấn đề bổ nhiệm, thăng hạng.

Nhiều ý kiến giáo viên cho rằng, việc học các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chỉ là để cho “đủ” điều kiện để được bổ nhiệm, hăng hạng, chứ không có ý nghĩa nhiều trong việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho giáo viên.

Trước những băn khoăn của dư luận, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã có câu trả lời thông qua báo chí. Theo đó, không phải khi nào giáo viên cũng phải đi học chứng chỉ này. Mà từ 5, 7 năm, thậm chí từ hạng III lên hạng II là 9 năm và hạng II lên hạng I là 6 năm mới phải đi học một lần. Ai có nhu cầu thăng hạng thì mới phải đi học. Việc đi học để giúp giáo viên nắm thêm về quản lý hành chính nhà nước, hiểu được vị trí của mình là viên chức nhà nước. Trong việc học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh này, có một số chuyên đề trùng với chuyện giảng dạy của giáo viên nên một số thầy cô cứ nghĩ là không cần thiết.

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS liên quan đến vấn đề về việc học các lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp có cần thiết thay không, ThS Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho biết, giáo viên không cần đi học lớp “thăng hạng” cũng đã nắm được những kiến thức của những lớp đó. Bởi vì, vào mỗi dịp hè, giáo viên từ cốt cán cho tới đại trà đều phải đi học các lớp bồi dưỡng thường xuyên, các lớp tập huấn do Bộ GD&ĐT và Sở tổ chức. Và kiến thức ở những lớp này cũng không khác gì so với các lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

“Nói chung, nội dung kiến thức không có gì mới. Vậy mà lại bắt giáo viên học đi học lại. Như vậy, có phải là sự lãng phí thời gian và công sức của giáo viên hay không? Sao không để họ dành thời gian và công sức đó cho việc học những thứ giúp nâng cao chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.

Một thông tư vừa ra, và vấp nhiều phản đối, chứng tỏ bất ổn

Theo ông Hiếu, cần phải đặt ra câu hỏi: Mục đích của việc học các chứng chỉ  chức danh nghề nghiệp này là gì? Thực tế cho thấy, các giáo viên đi học không phải là để nâng cao trình độ mà do sợ bị tụt hạng, từ đó kéo theo tụt lương. Trong khi đó, sắp tới lại sẽ bỏ thâm niên.

Nhiều giáo viên đặt câu hỏi: Lương thầy/cô bây giờ là bao nhiêu? Sắp tới bỏ thâm niên thì lo sẽ còn thấp nữa. Khi đồng lương không tương xứng với tâm huyết, công sức thì người thầy không thể làm việc, phải tìm các cách khác để kiếm tiền như buôn bán hàng online, bảo hiểm…

Giờ lại thêm chùm thông tư này, nên lo lắng của các giáo viên là có cơ sở.

“Đại đa số giáo viên rất không an tâm với chùm thông tư này. Theo tôi, một thông tư, văn bản, chính sách nào đó của ngành vừa bung ra mà gặp sự phản ứng thiếu đồng thuận của nhiều người, từ giáo viên mầm non đến THCS, THPT… thì chứng tỏ có sự bất ổn, chỉ là ở mức độ nào, nhiều hay ít, nặng hay nhẹ… Các cơ quan chức năng liên quan tới thông tư đó nên có sự lắng nghe và điều chỉnh”, ông Hiếu chia sẻ.

Ông Hiếu cho biết, hiện tại, nhiều giáo viên không thiết tha gì với nghề khi có quá nhiều sự thay đổi. Giáo viên cũng rất sợ thông tư. Bởi trong những năm gần đây, rất nhiều thông tư, chính sách, chủ trương của ngành khi ban hành đều có những chỗ chưa ổn gây nên tâm lý lo lắng, hoang mang. Và thực sự niềm tin của đội ngũ thầy cô giáo với ngành bị suy giảm rất nhiều. Cho nên, việc lắng nghe từ phía Bộ GD&ĐT là cần thiết, bởi sẽ tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, cống hiến chứ không phải sự chán nản, mệt mỏi.

Giáo dục cũng như ngành khác phải bình đẳng trước Luật, ông Hiếu không phản đối việc thi thăng hạng, nhưng cách tổ chức học và thi phải công bằng, hợp lý.

Phải làm sao để những người được bổ nhiệm ở hạng 1 cũng cảm thấy xứng đáng, hạng 3 cũng hài lòng. Chứ không phải, học chỉ để lấy chứng chỉ cho xong. 

Và một điều cũng rất quan trọng đặt ra, nhưng chưa thấy thông tư nói tới, đó là giả sử những giáo viên đã được bổ nhiệm thăng hạng, nhưng năm sau vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, thì có bị xuống hạng hay không?

"Ngày 20/3/2021, các thông tư này bắt đầu có hiệu lực. Nếu có những tiếng nói thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm với truyền thông, báo chí và với những người có thẩm quyền của Bộ GD&ĐT, Thông tư này vẫn có thể điều chỉnh, thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Cục Quản lý Nhà giáo và Cán bộ quản lý, Bộ GD&ĐT cần thẳng thắn nhìn nhận những điều bất ổn đó và nên điều chỉnh ngay trên tinh thần cầu thị, cầu tiến", ông Hiếu bày tỏ.

Một giáo viên cho biết, năm ngoái, chị thi "thăng hạng", kết quả  lương của chị tăng từ 4,32 lên 4,34. Cùng thi, có một đồng nghiệp kém chị 10 tuổi đã được nâng từ 2,67 lên 4,0. Như vậy, ra trường cách nhau 10 năm, có rất nhiều cống hiến, thành tích, nhưng giờ chị cũng chỉ hơn đồng nghiệp kém 10 tuổi 1 bậc lương 3 năm. Điều đó cho thấy sự bất cập, thiếu công bằng.

Theo VietnamDaily
back to top