Lấy nhau 4 năm không có con, chữa trị mãi mới có thai, cả hai bên gia đình đều hiếm con lại có điều kiện nên thi nhau mua đồ nhiều dưỡng chất cho chị Nguyễn Thu Hồng (Hà Nội) bồi bổ. 3 tháng đầu chị nghén, ăn bao nhiêu nôn hết, không tăng cân nên cả nhà càng sốt ruột.
Hết thời kỳ nghén chị ăn tốt lại toàn đồ bổ khiến cân nặng tăng vùn vụt, có tuần lên cả 2 kg. Còn 2 tháng nữa mới tới ngày sinh mà chị đã tăng gần 20kg. Đi khám bác sĩ bắt chị phải ăn kiêng vì có biểu hiện phù, protein niệu... Bác sĩ nói thai nhi có nguy cơ bị nhiễm độc nặng nếu chị cứ tăng cân quá mức.
Lời bàn: Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, nhiều người quan niệm ăn càng nhiều càng bổ thai nhi sẽ phát triển tốt nhưng thực ra đây là nguyên nhân của hàng loạt các nguy cơ: sinh non, tiểu đường, sinh mổ, thậm chí thai chết lưu.
Thông thường trong thời kỳ mang thai người mẹ chỉ nên tăng khoảng 9 đến 12kg. Nếu tăng trên 15 kg thai phụ cần phải lưu ý và thường xuyên đi khám thai. Bởi tình trạng bà bầu thừa cân phải cấp cứu do nhiễm độc thai nghén ngày càng nhiều, chiếm khoảng 10% trong số thai phụ tới khám tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư.
Với những thai phụ tăng cân quá nhanh lại bị cao huyếp áp, có triệu chứng phù, protein niệu…sẽ là những yếu tố đe dọa tới sự phát triển của thai nhi, nặng hơn có thể làm thai chết lưu. Vì vậy, trong thời gian mang thai, người mẹ nên có chế độ ăn uống hợp lý, đa dạng thực phẩm, tăng khoảng 10 – 12kg giúp thai nhi phát triển tốt.
N.Hà (ghi)