Ôn nhiệt để bảo dương khí cơ thể
Để tăng cường thể chất, rất nhiều người thường có thói quen dùng một vài loại thuốc bổ trong mùa đông. Thuốc bổ tuy có nhiều bổ ích đối với cơ thể, nhưng nếu uống không đúng cách sẽ gây ra một số tác dụng phụ như chảy máu cam, táo bón, ăn uống kém... Cho nên, bồi bổ mùa đông cần tuân theo nguyên tắc “dược bổ không bằng thực bổ”.
Mùa đông khí hậu giá lạnh sẽ làm cho quá trình chuyển hóa của con người giảm mạch máu dưới da co lại tán nhiệt cũng tương đối ít. Vì vậy, về mặt bố trí ăn uống trong mùa đông nên tăng cường thêm những loại thức ăn ngậy béo như: Thịt hầm, cá nướng, lẩu... Ăn uống vừa phải có dinh dưỡng phong phú, đầy đủ, lại vừa có nhiệt lượng đầy đủ.
Thức ăn phải là những thứ ôn nhiệt, để giúp cho việc bảo vệ dương khí của cơ thể. Theo thuyết này, Đông y đã quy lại một số loại thức ăn chống rét như: Thịt các loại có thịt cừu, thịt bò, dăm bông, thịt gà, thịt chó...; Rau các loại có ớt, hạt tiêu, tỏi, gừng, nấm, hành, dứa, hẹ,...; Quả các loại có hạnh đào, nhãn, hạt dẻ, đại táo, táo khô, vải, bưởi, hạt thông ...vừa bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, lại vừa bảo vệ được dương khí cho cơ thể, khi ăn vào người cảm thấy ấm áp.
Nhuận táo để tránh khô hanh
Nhuận táo chính là khi bồi bổ ăn những thức ăn thanh nhuận, để không cho quá khô táo. Bởi vì mùa đông thời tiết tuy quang đãng nhưng lại quá khô hanh. Khi độ ẩm chỉ còn 22% thì khó tránh khỏi bị môi khô, phổi nóng, họng đau. Nếu đặc biệt khô hanh thì không thích hợp cho việc ăn uống các loại thuốc đại bổ, cần uống nhiều nước canh thanh nhuận. Mùa đông khô hanh rất dễ gây ra ho, mà loại ho này phần lớn là ho do nóng, phương pháp trị liệu cũng cần phải nhuận phế là chính. Tóm lại, vào mùa đông khô hanh, bất cứ người nào cũng nên “nhuận” một chút.
Dưới đây xin giới thiệu một số cách để mọi người chọn dùng bồi bổ:
Nước đường phèn lâu năm: Trần bì cho vào nước lạnh cùng đường phèn nấu khoảng hai tiếng là được. Công năng ngoài nhuận phế ra, còn có hiệu quả rất tốt đối với tất cả các loại ho do nóng.
Nước mã thầy củ cải đỏ: Dùng củ cải đỏ cho thêm mã thầy, hạnh nhân, táo ngọt và 2 miếng trần bì đun khoảng 3 tiếng là được. Món này có tác dụng nhuận phế sinh tân, đặc biệt có hiệu quả đối với bệnh khô nẻ môi.
Táo hầm xuyên bối: Táo 1 quả, cắt phần trên làm nắp, khoét rỗng ruột, nhét bột xuyên bối và mật ong vào, sau đó dùng tăm ghim nắp lại, hầm cách thủy hai tiếng là có thể ăn được.
Nước tuyết lê mã thầy: Mã thầy 250g, tuyết lê 250g, đường trắng 50g. Rửa sạch mã thầy, thái lát; lê gọt vỏ, bỏ hạt, thái lát. Cho vào vải vắt lấy nước, cho nước đun sôi để nguội và đường vào khuấy đều là uống được.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)