<div> <p>Bộ Y tế vừa báo cáo Văn phòng Chính phủ về việc sử dụng phương tiện kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông khi có dịch viêm phổi cấp do chủng mới <span>virus corona</span>.</p> <p>Trước đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản đề nghị Bộ Y tế khẩn trương có báo cáo khi nhiều người có băn khoăn thổi máy đo nồng độ cồn có làm lây bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là virus corona hay không?</p> <p><img alt="Bộ Y tế phản hồi kiến nghị dừng thổi nồng độ cồn vì virus corona" src="https://khds.1cdn.vn/2020/01/28/bo-y-te-phan-hoi-kien-nghi-dung-thoi-nong-do-con-vi-virus-corona.jpg" title="Bộ Y tế phản hồi kiến nghị dừng thổi nồng độ cồn vì virus corona" /></p> <p><span>Trong mùa dịch, Bộ Y tế cho rằng vẫn nên tiếp tục duy trì thổi nồng độ cồn tuy nhiên quy trình cần nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn</span></p> <p>Trong văn bản trả lời, Bộ Y tế khẳng định, tại những thời điểm có dịch bệnh như hiện nay, hoạt động kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở vẫn phải được thực hiện nghiêm ngặt đúng quy trình, yêu cầu.</p> <p>Theo Bộ Y tế, việc kiểm tra nồng độ cồn qua ống thở cũng có nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền qua đường hô hấp tương tự như các hoạt động, công việc giao tiếp thông thường khác. Trong khi đến nay, thế giới và Việt Nam chưa có bằng chứng cho thấy sự khác biệt về nguy cơ lây nhiễm của các loại hình giao tiếp nêu trên.</p> <p>Tuy nhiên Bộ Y tế lưu ý, khi thổi nồng độ cồn trong mùa dịch, cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như dùng riêng ống thổi cho từng người (ống chưa qua sử dụng, đã được tiệt trùng), sát khuẩn thiết bị đo. Lực lượng làm nhiệm vụ tuân thủ đúng quy trình thao tác và người dân tuân thủ hướng dẫn của cánh sát giao thông thì sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm.</p> <p>Trường hợp dịch có diễn biến phức tạp, Bộ Công an sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án thích hợp cho việc kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở.</p> <p> </p> </div> <p> </p>