Báo cáo của Bộ Y tế, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 về công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 5 đến 11/9 được trình bày trong cuộc họp trực tuyến về công tác chống dịch sáng 11/9. Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính (Trưởng ban Chỉ đạo).
Trong đợt dịch thứ tư, tính đến ngày 10/9, Việt Nam ghi nhận khoảng 570.000 ca mắc Covid-19, trong đó có 14.000 ca tử vong (2,4%). Đa số các địa phương có số ca mắc giảm so với tuần trước, riêng Kiên Giang có số mắc mới trong cộng đồng gia tăng (69,7%).
Dịch tại TP.HCM giảm rõ rệt
Tình hình dịch tại TP.HCM trong tuần qua đã giảm rõ rệt trên 2 tiêu chí: số mắc trong cộng đồng và số tử vong, đặc biệt số tử vong của TP.HCM đã giảm 30%. Các quận, huyện đã kiểm soát được dịch là quận 7, Củ Chi và Cần Giờ. Dự kiến trong thời gian tới sẽ giảm cả số ca nhiễm và số ca tử vong.
Tại Hà Nội, Bộ Y tế dự báo sẽ ghi nhận một số ca mắc, chùm ca bệnh rải rác trong cộng đồng, vẫn sẽ còn các ca lây nhiễm không rõ nguồn lây. Do vậy, cần đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm để phát hiện sớm các ca nhiễm trong cộng đồng.
Quận 7, Củ Chi, Cần Giờ tại TP.HCM gần như không phát hiện thêm ca nhiễm mới sau 5 vòng xét nghiệm. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong tuần qua, cả nước đã xét nghiệm RT-PCR cho 5,2 triệu lượt người. So với tuần trước, số lượt người được xét nghiệm tăng 7,4%, chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM.
So với tuần trước, tỷ lệ ca dương tính trên tổng số người xét nghiệm trong cộng đồng trong cả nước giảm từ 1,9% xuống còn 1,6%. Một số tỉnh có số mắc cao, tỷ lệ này cũng giảm mạnh như ở TP.HCM, Long An, Tiền Giang.
Việc xét nghiệm vùng đỏ ở TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai đã được quét đến lần thứ 3 và tỷ lệ hiện nhiễm qua 3 vòng xét nghiệm giảm rõ rệt. Riêng quận 7, Củ Chi, Cần Giờ tại TP.HCM gần như không phát hiện thêm ca nhiễm mới sau 5 vòng xét nghiệm.
Tại TP.HCM đang có 637 doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp triển khai sản xuất an toàn với tổng số lao động khoảng 60.000 người; Bình Dương đang có khoảng 1.300 doanh nghiệp, với tổng số lao động khoảng 140.000 người.
Chưa có kế hoạch cụ thể đã nới lỏng giãn cách
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Y tế đã chỉ ra những hạn chế và tồn tại trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua như một số nơi nhận thức chưa đúng về quan điểm “xã, phường, thị trấn là pháo đài”, “người dân là chiến sĩ”; nắm chưa đúng về các nội dung thực hiện tại xã, phường; còn thiếu việc kiểm tra giám sát việc thực hiện tại cơ sở.
Việc thực hiện giãn cách ở một số nơi chưa nghiêm, chưa triệt để, nhất là trong thời gian gần đây. Việc triển khai thực hiện an sinh xã hội còn chậm so với yêu cầu; việc cung ứng hàng hóa vẫn còn lúng túng hay thay đổi.
Nhiều người dân Nha Trang ra đường trong ngày đầu địa phương này nới lỏng giãn cách. Ảnh: An Bình. |
Cũng theo cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, một số địa phương nóng vội trong việc mở cửa trở lại, chưa có kế hoạch cụ thể đã triển khai nới lỏng giãn cách; tốc độ xét nghiệm tại một số nơi chậm hơn tốc độ lây lan và không đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, một số biện pháp chuẩn bị chưa được kỹ lưỡng, thay đổi nhanh, thiếu nhất quán, chưa đánh giá tác động và chưa chuẩn bị truyền thông gây bức xúc trong xã hội, nhất là quy định đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa, tạo ra ách tắc cục bộ, chậm được tháo gỡ. Ngoài ra, các giải pháp công nghệ chưa được sử dụng triệt để và thống nhất, gây bất tiện cho người dân, tập trung đông người.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Trong đó, đặc biệt tránh 2 khuynh hướng. Một là lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu và khi đã giãn cách trong thời gian. Hai là chủ quan, nóng vội muốn mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đảm bảo an sinh xã hội; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác này.
Bộ Y tế đề nghị thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, trong đó, chính thức công bố và triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc, kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có đảm bảo một ứng dụng thuận tiện cho người dân.
Cơ quan này sẽ hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch trong tình hình mới; nâng cao năng lực hệ thống đáp ứng, trở lại trạng thái bình thường mới vào năm 2022. Đồng thời, xây dựng hướng dẫn triển khai biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc mở cửa có lộ trình, từng bước có kiểm soát, liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp.