<div> <p>Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trong bối cảnh các tỉnh miền Trung đang phải chịu thiệt hại nặng nề bởi những đợt mưa lũ lịch sử.</p> <p>Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) <span>Trần Hồng Hà</span> cho biết nội dung về biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt đã được điều chỉnh trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).</p> <h3>Sinh thái tự nhiên hết sức quan trọng</h3> <p class="question"><em>- Thưa ông, nhiều nhận định mưa lũ lịch sử ở miền Trung vừa qua là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đề cập thế nào đến thực trạng này?</em></p> <p>- Biến đổi khí hậu và thiên tai lũ lụt được điều chỉnh trong nhiều luật. Nhưng nguyên nhân mà xã hội nói là đúng, đó là do biến đổi khí hậu cực đoan. Tất cả chỉ số cho thấy đợt mưa lũ lần này vượt các đợt lũ lịch sử trước đây, vượt chỉ số cảnh báo lịch sử, có nơi vượt 1-2 m. Điều này thể hiện tính chất cực đoan khi tổ hợp các loại thiên tai xảy ra cùng lúc.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="mua lu lich su o mien Trung vuot cac canh bao lich su anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/10/24/znews-photo-zadn-vn_hong_ha_1.jpg" title="mưa lũ lịch sử ở miền Trung vượt các cảnh báo lịch sử ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nhận định mưa lũ lịch sử ở miền Trung có nguyên nhân do biến đổi khí hậu cực đoan. Ảnh: <em>Ngọc Thắng.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Trong dự thảo luật có đề cập nhưng không thể đề cập chi tiết. Ví dụ về sự cố thiên tai, luật tính tới bài toán rất xa về biến đổi khí hậu, đưa ra các công cụ để quản lý, kiểm soát, giải quyết một cách căn cơ vấn đề này.</p> <p class="question">- Vậy giải pháp phòng ngừa biến đổi khí hậu hay các hiện tượng cực đoan do thời tiết gây ra là gì, thưa ông?</p> <p>- Trong Luật Bảo vệ môi trường có đưa đồng bộ các giải pháp. Thứ nhất là kiểm soát chặt chẽ hơn, thực chất hơn các nguyên nhân chủ quan do con người, do phát triển kinh tế, ví dụ, kiểm soát chất thải; đồng thời, phải hạn chế tác động của con người, phát triển kinh tế; thông qua các công cụ đánh giá tác động môi trường, quy chuẩn môi trường để đưa môi trường dần trở lại trạng thái tự nhiên. Đây là xu thế đảo ngược tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.</p> <p>Thứ hai, xác định hệ sinh thái tự nhiên là phần hết sức quan trọng. Đây là môi trường chúng ta sống, nơi sẽ cung cấp không khí, hấp thụ chất thải. Hệ sinh thái tự nhiên có tác dụng rất lớn trong phòng chống thiên tai. Chúng tôi nhấn mạnh quan điểm con người phải sống hài hòa tự nhiên, tôn trọng thiên nhiên.</p> <p>Trong đánh giá tác động môi trường, lần này luật thể hiện 2 quan điểm. Một là quản lý môi trường dựa trên khoa học, tính chất, quy mô của chất thải ra môi trường. Hai là dựa trên dự án đó có tác động thế nào đến hệ sinh thái và môi trường tự nhiên. Các tiêu chí này đều được tính toán cụ thể, khoa học.</p> <p>Với dự án nằm trong tiêu chí chất thải và có tính chất quy mô lớn, chúng ta sẽ khoanh lại, tập trung quản lý cụ thể hơn, thực chất hơn.</p> <p>Với dự án thân thiện môi trường, quy mô tác động, phạm vi ảnh hưởng không lớn thì sẽ thay bằng biện pháp hậu kiểm. Có nghĩa là chúng ta sẽ tăng cường quản lý với những đối tượng tiềm năng nguy cơ gây ô nhiễm cao. Các công cụ quản lý đi vào thực chất, dựa trên cơ sở khoa học, thống nhất xuyên suốt mà thế giới đã làm.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="mua lu lich su o mien Trung vuot cac canh bao lich su anh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2020/10/24/znews-photo-zadn-vn_lu_quang_tri_nt_zing_1_.jpg" title="mưa lũ lịch sử ở miền Trung vượt các cảnh báo lịch sử ảnh 2" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Các tỉnh miền Trung vừa qua phải hứng chịu hậu quả nặng nề của trận mưa lũ lịch sử. Ảnh: <em>Ngọc Tân.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Cùng với đó, tháo gỡ các thủ tục hành chính không cần thiết, mang tính chất hình thức với dự án thân thiện môi trường; xây dựng hành lang để các dự án trên đơn giản về thủ tục thực hiện nhất, ít chi phí nhất, tham gia đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, xã hội.</p> <h3>Không nên tiếp tục phát triển các thủy điện nhỏ</h3> <p class="question">- Sau sự cố ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) vừa qua, ông đánh giá thế nào về tác động của thủy điện trong các đợt mưa lũ diễn ra?</p> <p>- Quan điểm của Bộ TN&MT là các nhà máy thủy điện phải có thiết kế đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.</p> <p>Như các nhà máy thủy điện lớn hiện nay có thể giải quyết rất tốt bài toán về cắt lũ, điều tiết để cung cấp nước cho mùa hạn. Còn những thủy điện nhỏ không hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đó.</p> <p>Theo quan điểm của Bộ TN&MT, chúng tôi không khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ. Thời gian qua, các bộ, ngành đã tham mưu và giảm trên 400 thủy điện nhỏ. Trong thời gian sắp tới, chúng ta hết sức thận trọng khi xây các thủy điện con.</p> <p>Bộ TN&MT thấy rằng không nên tiếp tục phát triển các thủy điện nhỏ. Hoặc khi phát triển phải chú ý phương án công nghệ để đảm bảo xây dựng hài hòa với môi trường.</p> <p>Tức là chúng ta không làm các đập dâng, mà sử dụng năng lượng thế năng tự nhiên của nước. Công suất, quy mô của từng nhà máy nhỏ nhưng công suất toàn bộ trên hệ thống của sông vẫn đáp ứng được. Như vậy, chi phí đầu tư sẽ lên nhưng sẽ tạo được sự bền vững.</p> <p>Tóm lại, nên có lựa chọn các công nghệ để tính toán vấn đề môi trường, dòng chảy, liên quan dòng đi của cá, bùn, phù sa có thể duy trì thường xuyên khi có các đập thủy điện.</p> </div>