<div> <p>Trưa 30/10, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn khảo sát khu vực thử nghiệm xử lý nước hồ Tây và sông Tô Lịch theo công nghệ Nhật Bản do công ty JVE thực hiện.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Tiến sĩ Tadasi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Môi trường Thương mại Nhật Bản. Ảnh: Gia Chính" src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/22/img-9626-jpg-6218-1572424970.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Tiến sĩ Tadasi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Môi trường Thương mại Nhật Bản. Ảnh: <em>Gia Chính</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Tiến sĩ Tadasi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Môi trường Thương mại Nhật Bản - Đại diện Công ty JVE cho biết, sau một thời gian, mùi của nước trong khu vực được xử lý ở sông Tô Lịch đã giảm 200 lần, ở hồ Tây giảm 30 lần (đo bằng thiết bị của Nhật Bản). "Suất vốn đầu tư công trình ban đầu là gần 1,9 triệu đồng/m3. Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với hơn 55 triệu đồng của dự án nhà máy nước thành phố Hạ Long hay 60 triệu đồng của hệ thống xử lý nước thải Yên Xá", Tiến sĩ Tadasi Yamamura nói.</p> <p>Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng phương pháp xử lý trên đã được các cơ quan của Nhật Bản chứng nhận nên đảm bảo độ an toàn, tính tin cậy. "Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng được công nghệ này trong xử lý nước thải. Một số yếu tố có ảnh hưởng đến sức khỏe con người như vi khuẩn Ecoli, Coliform họ đã xử lý được", ông Hà nói.</p> <p>Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, thành phần chất thải ở hồ, sông ngòi của Nhật Bản khác với Việt Nam bởi họ đã xử lý trước tại nguồn còn chúng ta hàng ngày vẫn đổ nước thải. "Thực tế là nhiều sông hồ ở Việt Nam trở thành nơi chứa chất thải", ông Hà nói và cho rằng nước thải ở Việt Nam không chỉ có hữu cơ mà còn có cả chất vô cơ nên cần bổ sung công nghệ xử lý.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Bộ trưởng Trần Hồng Hà trong buổi làm việc với công ty JVE. Ảnh: Gia Chính." src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/04/tran-hong-ha-2277-1572430719.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Bộ trưởng Trần Hồng Hà trong buổi làm việc với công ty JVE. Ảnh: <em>Gia Chính.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Ông Hà cũng đề nghị công ty JVE đưa ra dự toán kinh phí xử lý tính bằng cách khác thay cho phương pháp tính bằng mét khối như hiện tại bởi ở Việt Nam các hồ, sông đều mang tính chất mở nên lượng nước mưa vào rất lớn, việc tính bằng mét khối sẽ không đúng với thực tế.</p> <p>Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định, để xử lý triệt để nước thải ở Việt Nam thì cần thu gom và có phương án xử lý riêng. "Phương án xử lý như hiện tại chỉ phù hợp với các sông hồ đã ô nhiễm cần xử lý cấp bách để đảm bảo sức khỏe cho người dân", ông Hà nói.</p> <p>Hà Nội khởi động dự án thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch và hồ Tây theo công nghệ Nano-Bioreator của Nhật Bản từ ngày 16/5. Công nghệ Nano-Bioreator gồm hai yếu tố là máy sục khí Nano tạo ra oxy trực tiếp kích hoạt vi sinh vật; các tấm vật liệu Bioreactor là chất xúc tác, cung cấp giá thể, tạo môi trường sống cho vi sinh vật. Hai yếu tố kết hợp thúc đẩy quá trình tự làm sạch nước, phân hủy bùn.</p> <p>Sau thời gian thí điểm, số liệu do công ty JVE báo cáo với Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tại sông Tô Lịch vi khuẩn Coliform giảm 61 triệu lần từ 550 triệu MPN/100 ml về 9 MPN/100 ml; Ecoli giảm 1100 lần từ 3300 MPN/100 ml về 3 MPN/100 ml; Vi sinh vật có lợi Bacillus tăng 738 lần; Chỉ số tổng vi sinh vật hiếu khí tăng 47 lần; Bùn của sông Tô Lịch giảm nhiều nhất ở điểm cách đường Hoàng Quốc Việt 50m là từ 91,3cm xuống còn 15cm (giảm 76,3cm).</p> <p>Ngoài công nghệ nêu trên, Hà Nội đang thí điểm làm sạch sông Tô Lịch chế phẩm Redoxy3C của Đức.</p> <div> <p>Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường.</p> <p>Sông Tô Lịch ngày nay có chiều dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch.</p> </div> </div> <p> </p>