<div> <p>Chiều ngày 16/11, giải trình trước Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an ghi nhận các đại biểu rất tâm huyết, trách nhiệm cho ý kiến xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Về phía Bộ Công an sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến để hoàn thiện dự luật.</p> <p>Theo Bộ trưởng Tô Lâm, xuất phát từ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, với trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự xã hội và Chính phủ cũng đã xác định rõ trật tự an toàn giao thông là một bộ phận quan trọng của trật tự an toàn xã hội, vì thế Bộ Công an được Quốc hội, Chính phủ đồng ý đề xuất xây dựng dự thảo luật này.</p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Bộ trưởng Tô Lâm: “Chúng tôi không có ý tách luật hay chia quyền” - 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/11/16/icdn-dantri-com-vn_tolam-1605525030989.jpg" title="Bộ trưởng Tô Lâm: “Chúng tôi không có ý tách luật hay chia quyền” - 1" /> <figcaption> <p>Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm</p> </figcaption> </figure> <p>Qua các phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an ghi nhận ý kiến đại biểu băn khoăn đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Đại tướng Tô Lâm cho biết, trong báo cáo tác động của luật cũng như báo cáo đề xuất đã nói rõ trách nhiệm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông là của Bộ Công an và xác định nó như một bộ phận của trật tự an toàn xã hội.</p> <p>“Chúng tôi đã thảo luận rất kỹ trong Đảng ủy Công an Trung ương, các cơ quan chuyên trách và nhận trách nhiệm trước Nhà nước, trước Quốc hội, trước nhân dân về các vấn đề trật tự an toàn giao thông, trong đó có vấn đề trật tự, vấn đề tai nạn giao thông, vấn đề đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.</p> <p>Bộ trưởng Tô Lâm cũng dành thời gian phân tích các ý kiến chưa thống nhất với việc tách Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo Bộ trưởng, thực tế đây không phải là việc tách luật mà trên thực tế cùng với sự phát triển chung của toàn xã hội thì ngày càng quy định chi tiết các vấn đề pháp luật, nhất là liên quan đến vấn đề quyền của con người, quyền của công dân.</p> <p>“Thực tế rất nhiều luật ban đầu chỉ có một luật, sau đó phát triển thành nhiều luật khác nhau như Luật Đầu tư sau này chúng ta có Luật Đầu tư công, Hợp tác công tư; Luật Tố cáo khiếu nại trước đây thì nay có Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại. Rất nhiều luật chuyên ngành khác được đi vào từng vấn đề cụ thể, chứ ở đây không phải là việc tách luật, chia luật hoặc là chia quyền. Chúng tôi không có ý đó!”, Đại tướng Tô Lâm khẳng định.</p> <p>Theo Đại tướng Tô Lâm, trong quá trình xây dựng dự luật, Bộ Công an nhận được rất nhiều ý kiến cử tri về những vấn đề liên quan. Do vậy, việc soạn thảo luật phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ học, ngắn gọn. Ngoài ra, theo Bộ trưởng việc để đảm bảo trật tự giao thông đường bộ với Luật Giao thông đường bộ, xây dựng hạ tầng thì quá dài.</p> <p>Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, luật trên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được Chính phủ, các cơ quan thẩm định và đặc biệt là Bộ GTVT, Bộ Công an nhất trí cao và đảm bảo không làm ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình soạn thảo hai luật này và không vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.</p> <p>Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, trên cơ sở ý kiến thảo luận tại hội trường và ý kiến thảo luận tại tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ, xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về các vấn đề lớn của cả 2 dự án luật và báo cáo với Quốc hội theo quy trình. </p> <p> </p> </div> <p> </p>