Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải đóng cửa'

Ở nửa đầu năm, trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp đóng cửa và đã xuất hiện nhiều hơn những doanh nghiệp lớn, theo Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Chiều 25/6, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, do đó, sức cạnh tranh còn thấp.

Hiện có khoảng 870.000 doanh nghiệp hoạt động, thì có hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Trước việc phải chống chọi với dịch bệnh trong thời gian dài, doanh nghiệp đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Cụ thể, chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn; đơn hàng và sản lượng giảm mạnh phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư, thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Chi phí sản xuất tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển, logistics tăng mạnh (thậm chí có thời điểm tăng 5 lần) cộng thêm phát sinh chi phí phòng ngừa dịch Covid-19.

Thị trường cầu giảm mạnh, dẫn tới giảm doanh thu. Nhiều doanh nghiệp phải đối diện những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán, bị gián đoạn hoặc ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động.

'Xuat hien nhieu hon doanh nghiep lon rut lui khoi thi truong' anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nhiều khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: Hồng Phong.

Năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp khu vực tư nhân có lợi nhuận chiếm tỷ lệ 33,86% tổng số doanh nghiệp, giảm gần 4,61% so với năm 2019. Trong 3 tháng đầu năm nay, chỉ có khoảng 60% doanh nghiệp khu vực tư nhân phát sinh doanh thu, giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Nửa đầu năm 2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục có xu hướng gia tăng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và đã xuất hiện nhiều hơn những doanh nghiệp quy mô lớn phải đóng cửa.

Trước những thách thức nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể kể đến chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động; chính sách giãn, hoãn, giảm thuế; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ…

“Những chính sách này đã phần nào giảm bớt các khó khăn của doanh nghiệp, góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng và phát triển kinh tế năm 2020 (GDP năm 2020 đạt gần 3%). Việt Nam là một trong số ít các quốc gia duy trì tăng trưởng dương năm 2020, 6 tháng đầu năm GDP đạt 5,64%”, Bộ trưởng Dũng nói.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, trong khi các nguồn lực dự trữ cho doanh nghiệp đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đặc biệt là các hiệp hội doanh nghiệp thường xuyên cập nhật tình hình của các doanh nghiệp để kịp thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ cũng đang nghiên cứu để kiến nghị một số chính sách nhắm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể duy trì, trụ vững được qua đại dịch.

Theo đó, tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm thường trực sẽ tiến hành rà soát các khó khăn, vướng mắc, thủ tục của tất cả dự án thuộc mọi thành phần kinh tế (FDI, ODA, tư nhân) để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất; kiến nghị các giải pháp, chính sách có thể giãn, hoãn tối đa các khoản thuế, phí, phải nộp cho doanh nghiệp.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo cơ chế luồng xanh cho doanh nghiệp hoạt động; đẩy nhanh cơ chế tiêm vaccine cho các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, hàng không, du lịch, lưu trú, vận tải…

 
Theo zingnews.vn
back to top