<p>Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ vào cuối tháng 12-2018, Chính phủ đã nghe, thảo luận về thực hiện Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý một số địa phương chưa có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này, đặc biệt là thúc đẩy doanh nghiệp (<b>DN</b>) tư nhân.</p> <p>Xung quanh vấn đề, Báo <i>Người Lao Động</i> đã có trao đổi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VCCP) <b>Mai Tiến Dũng</b>.</p> <div> <div><img alt="Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Ăn 1 cái kẹo chocolate cõng 13 giấy phép thì đau hết cả răng - Ảnh 1." src="https://khds.1cdn.vn/2019/01/02/photo-1-1546343892898307312193.jpg" title="Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Ăn 1 cái kẹo chocolate cõng 13 giấy phép thì đau hết cả răng - Ảnh 1." /></div> <div> <p data-placeholder="[nhập chú thích]">Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời phỏng vấn</p> </div> </div> <p>- <b>Phóng viên</b>: <i>Thưa Bộ trưởng, nhìn lại một năm qua và hơn nửa chặng đường nhiệm kỳ Chính phủ mới đã đi, Bộ trưởng có thể khái quát những điểm nhấn nổi bật trong hoạt động điều hành, chỉ đạo của Chính phủ đối với khối doanh nghiệp tư nhân</i>?</p> <p>+ <b>Bộ trưởng Mai Tiến Dũng</b>: Một trong những điểm nổi bật trong điều hành, chỉ đạo của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua là tạo cơ chế thu hút các nguồn lực, thu hút nguồn vốn tư nhân. Trong khi vốn ngân sách nhà nước có hạn thì huy động vốn tư nhân rất quan trọng, vì tư nhân chiếm 40% GDP của cả nước, với trên 600 nghìn DN tư nhân. Đây là quyết định đúng đắn.</p> <p>Để kinh tế tư nhân phát triển cũng nhờ phát huy và giữ được kỷ cương, liêm chính trong hầu hết cơ quan công quyền. Một Chính phủ hành động, hướng tới người dân, hướng tới DN luôn là mục tiêu của Chính phủ và thời gian qua đã thể hiện hết sức hiệu quả.</p> <p>Cụ thể, mệnh lệnh, các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành địa phương, và thực thi của cán bộ công chức đã chuyển biến rất mạnh. Không riêng gì với cơ quan ở trung ương mà chuyển từ trung ương tới Bộ, ngành, địa phương.</p> <p>Đặc biệt, DN và người dân cũng thấy rõ những chuyển biển trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm quy định, thể chế chồng chéo, trói buộc DN và người dân... Việc gỡ bỏ rào cản là xã hội và DN cần lắm.</p> <p>Và vừa qua, với tinh thần quyết liệt từ Chính phủ, cả nước đã cắt giảm hơn 6.000 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, vượt hơn 36% chỉ tiêu, tiết kiệm hơn 11,6 triệu ngày công, tương đương khoảng hơn 5.400 tỉ đồng. Cắt được hơn 3.000 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm khoảng 1.000 tỉ đồng... Cho nên tất cả phải cách cách vì yêu cầu của DN, của người dân và cải cách phải rất thực chất.</p> <p>Tuy nhiên, tôi cho rằng ở một số nơi việc cắt bỏ thủ tục vẫn cơ học, bỏ cái này nhưng lại sinh ra những quy chuẩn, tiêu chuẩn khác cho nên vẫn phải kiểm ra. Hay một cấp vụ mà ban hành văn bản quy định cho cả nước phải thực hiện, như vậy là sai thẩm quyền. Cho nên, phải cải cách mạnh mẽ, làm liên tục, làm cương quyết, làm rắn.</p> <p>Làm rắn ở đây nghĩa là đi vào cụ thể. Như trường hợp 1 cái kẹo chocolate mà 13 giấy phép. Ăn cái kẹo thế này thì đau hết cả răng thì làm sao ăn được nên phải làm.</p> <p>Hay nhiều nơi rất hình thức, công bố dịch vụ công cấp 3-4 nhưng hồ sơ vẫn “chạy bộ” về sở, giải quyết bao nhiêu hôm rồi mới đóng dẫu mang đến để trả. Thế thì không phải, không minh bạch được.</p> <p>Cải cách phải lên tục, quyết liệt, dù biết đây là vấn đề rất khó. Mọi người phải nhớ rằng cải cách chính là dư địa cho tăng trưởng mạnh vì sẽ tháo gỡ khó khăn, cắt giảm chi phí, thúc đẩy gia nhập thị trường của DN...</p> <p>Tới đây sẽ thành lập thêm một số bộ phận của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục của Thủ tướng. Cùng với đó là thường xuyên nghe DN, các hiệp hội DN vướng cái gì, khó khăn cái gì, điều gì, khoản gì ở văn bản nào đang vướng để giải quyết.</p> <p>- <i>Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo kiểm tra sự phát triển của kinh tế tư nhân để có cơ chế, chính sách hộ trợ kịp thời cho khối doanh nghiệp quan trọng này phát triển. Theo ông nhà nước cần làm gì để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa</i>?</p> <p>+ Về phát triển kinh tế tư nhân, hành lang pháp lý đã khá rõ. Cụ thể, Trung ương có nghị quết về phát triển kinh tế tư nhân và Quốc hội cũng ban hành những luật để phát triển kinh tế tư nhân. Lãnh đạo Đảng, nhà nước luôn xem kinh tế tư nhân là nền tảng quan trọng.</p> <p>Năm 2018, có hơn 131.000 DN mới thành lập, nhưng số đóng cửa, tạm dừng, số khó khăn khi tiếp cận với đất đai, tín dụng… cũng cao. Cả nước có 5 triệu hộ kinh doanh nhưng nếu chúng ta không có chính sách khuyến khích chuyển sang công ty thì cơ sở khó làm ăn lớn và nguồn thu thuế cũng hạn chế.</p> <p>Vì vậy, nhà nước cần phải có chính sách rõ hơn, mạnh hơn. Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan nghiên cứu cơ chế chính sách. Các chuyên gia có ý kiến cho rằng, phải xem xét chính sách thuế để khuyến khích họ tham gia ban đầu, rồi có gói tín dụng để họ tiếp cận tốt hơn…</p> <p>Chắc chắn trong thời gian tới đây, Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo đi vào những quyết sách rất cụ thể để xây dựng nghị định hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp sáng tạo. Chúng ta nói nhiều đến DN khởi nghiệp sáng tạo nhưng nếu không có chính sách cụ thể thì sẽ không đạt được mục tiêu đề ra, nhất là chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN.</p> <p>- <i>Như Bộ trưởng vừa nói đến 5 triệu hộ kinh doanh, phải chăng họ không chịu lớn do thiếu niềm tin vào việc thực thi cơ chế, chính sách của cơ quan công quyền</i>?</p> <p>+ Chúng ta có hành lang pháp lý và có chính sách nhưng là chưa đủ sức hấp dẫn cho 5 triệu hộ kinh doanh cá thể để họ chuyển sang DN. Việc thực thi của cán bộ công chức là vấn đề quan trọng. Ví dụ, năm 2017, Thủ tướng ra chỉ thị yêu cầu chỉ được thanh tra, kiểm tra 1 lần mỗi năm, nhưng thực tế các DN vẫn kêu ca, phàn nàn lên là vẫn bị nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra chồng chéo. Đúng là cũng phải thắng thắn nhìn nhận có câu chuyện về lòng tin.</p> <p>- <i>Ngân hàng Thế giới vừa có đánh giá tụt hạng chỉ số môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, xin Bộ trưởng cho biết Chính phủ sẽ đề ra giải pháp gì cho năm 2019</i>?</p> <p>+ Năm 2018, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam bị tụt hạng so với 2 năm trước. Trong 10 chỉ số thành phần thì có 6 chỉ số tăng điểm, 3 chỉ số giữ nguyên và 1 chỉ số giảm. Trong khi các nước cũng rất cải cách nhưng Việt Nam thì không bằng nên tụt điểm. Nguyên nhân là liên quan đến tiếp cận tín dụng, số lượng giải thể DN, phá sản DN, bảo vệ DN chưa được quan tâm đúng mức. DN vẫn phàn nàn rất nhiều.</p> <p>Hiện nay Việt Nam đứng thứ 6 trong xếp hạng ASEAN, đứng kế cận là Indonesia, Việt Nam 5,38 điểm thì Indonesia là 5,86 điểm. Mặc dù chúng ta tăng điểm giữ hạng, nhưng so với các nước xung quanh thì chúng ta không bằng, bước đi của họ dài hơn.</p> <p>Cho nên tới đây sẽ ban hành Nghị quyết 02 thay cho nghị quyết 19 của các năm. Nghị quyết 02 tới rất quan tâm đến vấn đề thanh toán điện tử, dứt khoát phải làm bằng được. Phải ban hành được các chỉ số định lượng để so sánh, ví dụ phải biết bộ này cải cách đang đạt chỉ số bao nhiêu, lĩnh vực này đang đạt chỉ số bao nhiêu, phải định lượng được chứ không phải định tính để sau này có so sách là tại sao xuống hạng.</p> <p>- <i>Phương châm 2019 nhấn mạnh yếu tố bứt phá để về đích, vậy bứt phá những vấn đề gì, thưa Bộ trưởng</i>?</p> <p>+ Trước hết là vấn đề liên quan kỷ cương, liêm chính trong bộ máy công quyền là phải xuyên suốt. Năm 2019 đặt yêu cầu sáng tạo, bứt phá, phát triển mang tính hiệu quả. Vào thời gian cuối của nhiệm kỳ thì bứt phá rất quan trọng và do VPCP đã đề xuất. Bứt phá này rất rộng nhưng tựu lại là trong xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, mạnh mẽ trong phân cấp, phân quyền, rõ nghĩa, rõ trách nhiệm.</p> <p>Cụ thể như tiến hành sửa đổi 1 luật mất rất nhiều thời gian, nên sửa theo hướng cái gì vướng mắc nhất thì sửa trước, không mang tính dỡ tung ra rất khó làm. Đột phá về cơ chế chính sách phải rất mạnh mẽ.</p> <p>Hay chúng ta có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, nếu không có cơ chế bứt phá thì không ai chuyển sang DN.</p> <p>Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 phải cao hơn 2018. Bứt phá là cả sự quyết tâm của cả đội ngũ cán bộ công chức, cả hệ thống chính trị chứ không riêng cơ quan Chính phủ. Năm 2019 phải làm tốt công tác thanh toán điện tử, để như hiện nay là không ổn, phải có liên kết, có dịch vụ công trực tuyến minh bạch, công khai và giảm tham nhũng vặt<b>…</b></p> <p><b>Kiểm tra một số bộ ngành, địa phương về kinh tế tư nhân </b></p> <p>Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông đã trao đổi với lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương về việc phối hợp kiểm tra một số ngành, địa phương về phát triển kinh tế tư nhân, nhất là các địa phương trọng điểm.</p> <p>Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thiện văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý để phát triển kinh tế tư nhân. Các cấp, các ngành, các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi như về vốn, đất đai… để kinh tế tư nhân phát triển.</p> <p>Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện Nghị quyết 10 của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, nguồn lực cho khu vực này dần được khơi thông. Dư nợ tín dụng của khu vực kinh tế tư nhân liên tục tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.</p> <p>Đến tháng 9-2018, là 87,35%. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, trong đó có xử lý kiến nghị của DN.</p>