Chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Các giải pháp dự kiến của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dự kiến sẽ được quan tâm.
Các đại biểu cho rằng, thời gian qua có một vấn đề nóng, gồm giải ngân vốn đầu tư công. Tỉ lệ giải ngân rất thấp. Vậy nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai? Trung ương hay địa phương?
Hay như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Cùng thể chế này tại sao năm 2020 giải ngân được 98%, năm ngoái cũng Covid-19 đấy, lo nhiều việc lớn đấy, tại sao vẫn giải ngân được lớn thế".
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận một phần trách nhiệm đã “làm chưa tốt”
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để giúp cho Chính phủ, Quốc hội, Bộ đã phải thực hiện giải pháp công nghệ thông tin trên hệ thống, chứ không gặp nhau. Tất cả các bộ ngành, địa phương lập kế hoạch xong sẽ đưa vào hệ thống.
Bộ kiểm soát được, nếu đúng sẽ báo cáo Thủ tướng. Nếu không phù hợp sẽ yêu cầu các tỉnh làm lại.
Nhưng theo ông Dũng, vấn đề năm ở tổ chức thực hiện. Nguyên nhân đó thuộc về địa phương, đề nghị làm rõ ràng tại địa phương, trên hệ thống công nghệ thông tin các bộ ngành địa phương đã gửi.
“Chúng tôi đã tổng hợp rất thông thoáng, thuận lợi cho địa phương. Vấn đề nằm ở tổ chức thực hiện, có tỉnh đã thực hiện trên 100%, vượt cả con số được giao. Họ đã ứng trước để làm. Trong khi có tỉnh mới giải ngân 18%”, Bộ trưởng Dũng nói.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Dũng, cuối năm nay không thể giải ngân cao bằng năm ngoái, chỉ 80-85%. Nó đòi hỏi các địa phương, bộ ngành phải nhìn nhận nghiêm túc vấn đề.
“Bây giờ đổ cho pháp luật là chưa đúng. Tôi khẳng định hiện nay pháp luật không có vấn đề. Sắp tới, còn vấn đề gì thì chúng tôi sẽ rà soát để sửa trong tháng 12”, ông Dũng quả quyết.
Ngoài ra, ông Dũng cũng thừa nhận, các đại biểu nói nguyên nhân giải ngân vốn chậm là do lập kế hoạch không sát. Các bộ ngành, địa phương, thờ ơ chưa làm hết trách nhiệm, đề xuất vốn lớn nhưng thực tế ko giải ngân được.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có một phần trách nhiệm khi nể nang, không hết trách nhiệm nên đã tổng hợp vào và đưa lên.
Ông Dũng cho rằng, con số không sát thực tiễn lớn sẽ gây áp lực tới tỷ lệ giải ngân, nếu làm sát thì không có tỷ lệ nào cao như vậy. Không sát lại phải chuyển, hủy vốn, trả lại vốn không hiệu quả.
“Chúng tôi nhận một phần trách nhiệm rà soát vốn các bộ ngành, địa phương trình lên. Chúng tôi xin hứa sẽ cố gắng khắc phục trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hứa.
Dự án giao cho cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm
Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai liên quan đến trách nhiệm Trung ương hay địa phương ở các dự án đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Dự án giao cho cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.
Cụ thể, dự án của địa phương thì địa phương chịu trách nhiệm. Dự án Trung ương thì Trung ương chịu trách nhiệm.
“Còn dự án nào mà của TW nhưng có cấu phần ở địa phương mà đã giao địa phương thì địa phương chịu trách nhiệm cấu phần đó”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Trong đề án tách bồi thường và hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công sắp tới trình Quốc hội, Bộ đề xuất riêng GPMB giao lại cho địa phương. Địa phương có thể dùng ngân sách địa phương để thực hiện.
Như vậy sẽ linh hoạt hơn, chủ động hơn. Bộ cho rằng tách được mà giao hẳn cho địa phương thì sẽ phân bạch rõ ràng trách nhiệm của TW và địa phương trên địa bàn.
Tại sao có tiền lại không tiêu được?
Bổ sung ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến. Năm 2020 giải ngân kỷ lục thì thể chế 2021 phải hơn năm 2020. Vấn đề quan trọng nguyên nhân khách quan chủ quan là gì, đột phá vào đâu để giải quyết?
"Toàn bộ tiền có chưa tiêu mới còn tiêu mới gì. 16.000 tỷ đồng chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ được đồng nào, 56.000 tỷ đồng của địa phương chưa phân bổ được đồng nào. Nếu không làm rõ được thì có chất vấn xong, có nghị quyết rồi tình hình vẫn vậy", Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trách nhiệm nằm đâu phả làm cho rõ, giải quyết thế nào chứ không thể nói chung chung vướng mắc gì.
"Cùng thể chế này tại sao năm 2020 giải ngân được 98%, năm ngoái cũng Covid-19 đấy, lo nhiều việc lớn đấy, tại sao vẫn giải ngân được lớn thế", ông Huệ chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp ngành, đại biểu, các bộ phải nói rõ câu chuyện này. Trước đây, định có một phiên chất vấn ở Ủy ban Tài chính ngân sách trong tháng 11 nhưng vì có chất vấn Bộ nên không thực hiện nữa mà chuyển chất vấn sang cổ phần hoá, thoái vốn.
"Chúng ta không thể để kéo dài, trong khi nền kinh tế thiếu vốn, đại biểu còn muốn gói nọ kia, nới bội chi, tăng trần nợ công. Giờ toàn bộ tiền có không tiêu được", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.