Không bỏ đói, không ăn quá tiêu chuẩn
TS. BS. Nghiêm Nguyệt Thu, Viện Dinh dưỡng QG cho biết, bữa ăn của người ĐTĐ luôn cần đủ 4 nhóm thực phẩm: Bột đường, đạm, chất béo, rau và hoa quả. Các chất bột (glucid) được coi như nguồn “xăng dầu” cho cơ thể hoạt động; chất đạm (protid) cung cấp nguyên liệu để xây dựng các tế bào, các mô cơ quan, và chất béo (mỡ) cho nhiều năng lượng và giúp hấp thu một số vitamin. Ăn hoa quả để có đủ vitamin và các muối khoáng. Người mắc tiểu đường rất hay thiếu vitamin do tiết chế tinh bột và dầu mỡ. Một chế độ ăn không có dầu mỡ sẽ hạn chế hấp thu nhiều loại vitamin quan trọng như: vitamin A, D, K...
Do dùng thuốc dài ngày, nhiều người thiếu vitamin B12, B9 (acid folic) do ức chế hấp thu ở dạ dày. Còn khi ăn quá nhiều chất xơ lại dễ bị thiếu canxi và sắt. Vì thế, các bệnh nhân ĐTĐ cần ăn uống đầy đủ, không thừa, không thiếu và biết lựa chọn các thức ăn có nhiều vitamin, chất khoáng quan trọng như sữa, rau, quả ít ngọt. Nên duy trì thời gian ăn ổn định trong ngày, tránh tình trạng đường máu tăng quá cao sau bữa ăn cũng như đường máu hạ thấp lúc xa bữa ăn, nhất là ở những bệnh nhân phải tiêm insulin hoặc dùng thuốc uống hạ đường máu.
3 bữa chính và 1 bữa phụ
PGS.TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa cho biết, ăn nhiều bữa hay ít đều không tốt cho người bệnh. Thế giới đã trải qua nhiều nghiên cứu, nhiều bài học đắt giá trên người bệnh. Giai đoạn trước đây, người ta cho rằng đái tháo nhiều thì cần phải ăn nhiều để bù đắp. Chính việc ăn nhiều đã khiến người bệnh tăng vọt đường huyết và hôn mê. Giai đoạn tiếp theo, các bác sĩ sử dụng biện pháp nhịn ăn để kéo dài tuổi thọ của người bệnh. Nhịn ăn dẫn đến thiếu chất và cũng dẫn đến tử vong.
Nhiều nghiên cứu sau đó đã chỉ ra, việc nhịn ăn làm giảm lượng đường ở người bị tiểu đường nhưng có những người dù nhịn ăn, cơ thể ốm yếu mà đường huyết vẫn tăng. Sau này người ta rút ra, nhịn ăn chỉ có tác dụng đối với những người bị tiểu đường và thừa cân còn nhịn ăn đối với đa số người bệnh tiểu đường sẽ dẫn đến thiếu chất. Giai đoạn gần đây người ta cho người tiểu đường ăn thành nhiều bữa nhỏ để tránh đường máu tăng đột ngột, tuy nhiên việc chia nhỏ bữa lại khiến tuyến tụy hoạt động nhiều, không tốt cho người bệnh.
Theo PGS.TS Tạ Văn Bình, các bệnh nhân ĐTĐ nên ăn 3 bữa/ngày, nếu cần thì ăn thêm 1 bữa phụ. Nếu bệnh nhân gầy hoặc hay bị hạ đường máu giữa các bữa ăn thì nên ăn tăng lên trong bữa chính. Nên ăn gạo lứt thay gạo trắng, ăn đồ luộc, kho, nướng hơn là đồ chiên. Đối với dầu mỡ, nên ăn dưới 300mg/ngày, lượng mỡ bão hòa nên thay bằng dầu thực vật. Kết hợp với chế độ ăn là luyện tập. Mỗi ngày nên dành ra 30 phút hoặc 1 giờ để tập các bài tập giúp cho tiêu bớt năng lượng và duy trì sự khỏe mạnh cho cơ thể.