Bổ sung “vũ khí” mạnh chống Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Bằng những biện pháp quyết liệt, đúng đắn và đồng bộ, bằng sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, cùng sự tham gia của mỗi người dân, chúng ta đã kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường nên việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 càng sớm, càng phổ cập rộng càng giúp chúng ta có thêm “vũ khí” hiệu quả để chống lại thứ “giặc” nguy hiểm này.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Y tế tổ chức tiêm vaccine kịp thời cho người dân để ngăn chặn dịch Covid-19 hiệu quả hơn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Y tế tổ chức tiêm vaccine kịp thời cho người dân để ngăn chặn dịch Covid-19 hiệu quả hơn.

Sớm trang bị “vũ khí” chống đại địch Covid-19

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra ngày 2-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, Chính phủ trong tháng 2 vừa qua đã ban hành Nghị quyết về việc xuất ngân sách Nhà nước để nhập vaccine ngừa Covid-19. Người đứng đầu Chính phủ cùng với việc nhấn mạnh tinh thần “vaccine + 5K” đã yêu cầu ngành Y tế tổ chức tiêm kịp thời hơn nữa cho các đối tượng theo Nghị quyết này để ngăn chặn dịch Covid-19 hiệu quả hơn.

Có thể nói, ngay từ khi đại dịch mới xuất hiện, chúng ta đã có những biện pháp phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan vào trong nước. Bởi ngay từ đầu chúng ta đã ý thức cao về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh truyền nhiễm này cũng như hệ lụy của nó đối với sức khỏe của người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Mọi biện pháp cần thiết, mạnh mẽ và quyết liệt đã được triển khai sớm hơn một bước so với tốc độ lây lan của dịch bệnh. Đi đôi với đó là sự vào cuộc với quyết tâm cao nhất “chống dịch như chống giặc” và nhất là sự chung sức đồng lòng, ủng hộ của người dân đã giúp nước ta trở thành một trong những quốc gia chống dịch Covid-19 tốt nhất, thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế - xã hội, là một trong số ít nước trên thế giới có tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020.

Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến quá phức tạp, khó lường trong khi Việt Nam có đường biên giới trên bộ dài hàng nghìn km với quốc gia tâm dịch cùng rất nhiều tuyến đường hàng không, đường bộ, thường thủy và nhất là khi dịch bệnh đã lây lan tới mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mở hiện nay nên dịch bệnh đã có những đợt bùng phát tại nước ta. Trong hơn 1 năm qua kể từ khi phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên đầu năm 2020, đã có 3 đợt dịch xuất hiện tại nước ta.

Dù không tránh khỏi dịch bệnh, song nước ta vẫn được thế giới ghi nhận là một trong những quốc gia kiểm soát, khống chế dịch Covid-19 tốt nhất, là tấm gương, hình mẫu chống dịch trên toàn cầu. Đợt dịch Covid-19 thứ ba bắt đầu từ ngày 27-1-2021 với những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại Hải Dương và Quảng Ninh tới nay cũng đã cơ bản được khống chế, kiểm soát với số ca nhiễm ngày càng giảm và chỉ trong khu vực đã được cách ly, phong tỏa.

Thế nhưng, dù chúng ta có áp dụng mọi biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhất thì cũng không loại từ khả năng xuất hiện những ca mắc mới trong cộng đồng do dịch bệnh trên thế giới còn rất phức tạp, khó lường, xuất hiện những biến chúng mới có tốc độ lây lan nhanh. Vì thế, nhanh chóng tiến hành tiêm vaccine và tiêm đại trà cho mọi người dân được xem là biện pháp rất quan trọng để chống, ngăn chặn dịch hiệu quả hơn.

Có vaccine vẫn cần thực hiện nghiêm 5K

Việc mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19 đã trở thành một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngay trong cuộc họp đầu tiên của Khóa XIII diễn ra ngày 18-2 vừa qua đã thảo luận và đồng ý về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho nhân dân với nguồn kinh phí mua, vận chuyển, bảo quản, sử dụng chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Ngay sau khi có chủ trương của Đảng, Chính phủ đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên. Cũng theo Nghị quyết này, nước ta sẽ mua khoảng 150 triệu liều vaccine ngay trong năm 2021 này.

Nghị quyết của Chính phủ cũng xác định rõ 11 đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng như các nguồn kinh phí để mua vaccine tiêm đại trà trên cả nước. Với những biện pháp cụ thể hóa này, chủ trương và quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước chắc chắn sớm hiện thực hóa trong cuộc sống, nhanh chóng tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân.

Việt Nam đã khẩn trương để đàm phán thành công, nhập những lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên. Bộ Y tế cho biết, sau lô đầu tiên gồm 117.000 liều về tới Việt Nam ngày 24-2 vừa qua, lô tiếp theo khoảng 1 triệu liều sẽ được nhập về trong tháng 4 tới. Tiếp đó, vài triệu liều vaccine ngừa Covid-19 sẽ được nhập về với tinh thần “vaccine về đến đâu, thực hiện tiêm tới đó” và mở rộng dần đối tượng tiêm khi có đủ lượng vaccine.

Cùng với việc đàm phán với các đối tác nước ngoài để có đủ nguồn vaccine ngừa Covid-19 chất lượng, hiệu quả, chúng ra còn triển khai quyết liệt việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để chủ động hơn trong việc phòng chống dịch bệnh. Hiện đã có 3 loại vaccine ngừa Covid-19 được nghiên cứu phát triển tại Việt Nam, trong đó một loại đã bước sang giai đoạn thử nghiệm thứ hai.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 trong nước phải “tuân thủ tất cả các bước, nhanh nhất và chắc chắn nhất có thể”. Được biết, đến nay các đơn vị nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước đã rút ngắn 50% thời gian thực hiện giai đoạn 2, từ 6 tháng xuống 3 tháng. Việc phát triển thành công vaccine ngừa Covid-19 trong nước không chỉ khẳng định năng lực, niềm tự hào của đội ngũ khoa học y tế, đáp ứng kỳ vọng, sự tin tưởng của người dân mà còn chủ động trong phòng chống dịch, với kinh phí thấp hơn nhiều so với vaccine nhập khẩu.

So với các nước trên thế giới, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp và khó lường hiện nay, chúng ta vẫn phải luôn cảnh giác, luôn phòng ngừa để “bao đê cho chặt”. Kể cả khi có vaccine ngừa Covid-19, mọi người dân không được chủ quan, cần tiếp tục nâng cao ý thức phòng ngừa dịch bệnh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế). Thực hiện nghiêm chiến lược “Vaccine + 5K”, đó mới là thứ “vũ khí” hiệu quả nhất để phòng chống dịch Covid-19.

Theo Đời sống
back to top