Bổ sung vitamin thường xuyên làm giảm cơ chế tự sản xuất?

Nhiều bậc bố mẹ đã thường xuyên bổ sung các loại vitamin cho trẻ theo các quảng cáo của sản phẩm với mong muốn con phát triển toàn diện. Các chuyên gia cho rằng, tăng cường vitamin cho trẻ là tốt, nhưng cần hiểu đúng, tránh tình trạng vượt quá nhu cầu sẽ lãng phí cũng như gây ra những ảnh hưởng không đáng có.

Lo lắng trẻ bị sỏi thận, giảm miễn dịch vì vitamin

Một số bạn đọc thắc mắc khi họ nghe được thông tin rằng, nếu cho trẻ uống nhiều vitamin có thể làm mất đi khả năng tự sản xuất vitamin của cơ thể. Đồng thời, quá trình này có thể gây nên tình trạng sỏi thận sau này. Vì thế, việc làm tưởng như giúp trẻ khỏe mạnh lại gây nên những ảnh hưởng ngược lại.

Theo PGS.TS Bạch Khánh Hòa, nguyên Trưởng khoa miễn dịch sàng lọc, Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, thông tin này đã được đề cập nhiều ở các bà mẹ. Vitamin cần thiết cho sức khỏe nhưng không vì thế mà lạm dụng, cho trẻ dùng quá nhu cầu.

Hay nói cách khác, tất cả các yếu tố bị làm quá đều không tốt. Về cơ chế, con người sẽ có cơ chế sản xuất và hấp thu vitamin. Nếu quá nhiều, lượng vitamin sẽ bị tích tụ lại và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sau này có thể xảy ra.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/bo-sung-vitamin-cho-tre-300x219.jpg

Bổ sung vitamin thường xuyên làm giảm cơ chế tự sản xuất?

Còn TS.BS Phạm Thị Thúy Hòa, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Ứng dụng cho hay, sử dụng quá nhiều trong trường hợp này được xem là ngày nào cũng bổ sung trong khi nhu cầu của trẻ chưa đến mức đó. Ví dụ có những bà mẹ bổ sung vitamin A cho con thường xuyên, trong khi chỉ cần dùng một đợt là 6 tháng sau không cần dùng tiếp.

Trong vitamin có hai loại là vitamin tan trong nước và tan trong mỡ. Đối với vitamin tan trong nước, nếu bổ sung nhiều sẽ dẫn đến tình trạng thừa, nhưng không ảnh hưởng lắm đến sức khỏe. Bởi, số thừa này sẽ được đào thải qua nước tiểu, mồ hôi…

Còn vitamin tan trong mỡ, nếu quá liều sẽ bị tích tụ lại trong cơ thể và gây nên tình trạng thừa.

Theo đó, các chuyên gia cho hay, tùy vào mức độ thừa sẽ có những ảnh hưởng khác nhau của các vitamin đó. Ví dụ, thừa vitamin A sẽ gây ngộ độc, vàng da, chậm tăng cân… Thừa vitamin D sẽ dẫn đến tăng canxi, trong khi canxi cần đồng hành cùng phốt pho. Nếu nhiều canxi nhưng cơ thể thiếu phốt pho có thể dẫn đến cơ thể huy động chất này từ cột sống ra, trẻ có nguy cơ bị chậm lớn, còi xương…

“Nói thừa vitamin có thể ảnh hưởng đến quá trình tự sản xuất sau này là hơi tiêu cực. Đối với sỏi thận, có thể xảy ra nhưng trường hợp trẻ bị sử dụng quá nhiều hoặc cơ thể vốn đã có trục trặc, không hoàn thiện. Tuy nhiên cũng sẽ không tốt nếu thừa vitamin tan trong mỡ…”, TS.BS Phạm Thị Thúy Hòa.

Có thể bổ sung ngay khi mới sinh ra

Cũng theo TS.BS Phạm Thị Thúy Hòa, trong cơ thể chúng ta, vitamin rất ít được sản xuất mà chủ yếu lấy từ ngoài vào. Đây là lý do vì sao chúng ta thường được khuyên ăn uống rau xanh, hoa quả, thịt cá… để bổ sung vitamin. Nhằm chuyển hóa vitamin tốt từ nguyên liệu đưa vào, cơ thể có loại men sử dụng và tạo nên vitamin (hay còn gọi là enzym, vi khuẩn có lợi ở đường ruột).

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/bo-sung-vitamin-a-dung-cach-cho-tre-300x225.jpg

Ăn thêm rau xanh, hoa quả, thịt cá… để bổ sung vitamin.

Đối với nhu cầu bổ sung vitamin của trẻ, khi các bữa ăn không được đảm bảo, lúc này cần đưa vitamin ngoài vào nhằm mục đích điều trị, thay thế. Nhưng điều này không có nghĩa, tất cả các loại vitamin cứ thế mà cho con uống. Thay vào đó cần được thăm khám để biết tình trạng thiếu hụt từ đó có phương pháp bổ sung đúng chủng loại. Nếu bổ sung quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí.

Còn thắc mắc về việc có nên bổ sung vitamin cho trẻ ở giai đoạn sơ sinh, vị chuyên gia này cho hay, trước đây bà có nói chuyện cùng một người Đức. Được biết con họ mới sinh ra đã được uống một giọt vitamin tổng hợp.

Hiện nay nước ta cũng có nhiều bà mẹ làm cách này. Về nguyên lý là tốt, bởi khi bú sữa mẹ không đúng cách sẽ làm trẻ thiếu vitamin. Nhưng để an toàn và đúng hàm lượng, các bà mẹ cần tham khảo bác sĩ dinh dưỡng, tránh tình trạng dùng bữa bãi, không đúng chủng loại vitamin dẫn đến phản tác dụng”, TS.BS Phạm Thị Thúy Hòa nói.

“Nếu bổ sung vitamin cho trẻ từ ngoài vào thường xuyên thì chỉ dùng ở mức 15 – 20% nhu cầu của trẻ. Bởi ngoài nguồn này trẻ còn có nguồn khác từ rau xanh, sữa, thịt cá… Nếu bổ sung thường xuyên mà vượt qua yếu tố này sẽ gây nên tình trạng lãng phí”.

TS.BS Phạm Thị Thúy Hòa

   Hiền Dung

Theo Đời sống
back to top