<div> <p style="text-align: justify;">PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, vitamin B2 còn được gọi là Riboflavin, một vitamin nhóm B tan trong nước, hiện diện trong hầu hết các tế bào của cơ thể và được tích tích trữ ở gan nhưng rất ít. Nó là chất xúc tác cho quá trình chuyển vị hydro trong quá trình hô hấp của mô. Tham gia quá trình chuyển hóa glucid thành năng lượng, tích trữ năng lượng dưới dạng ATP. Tham gia quá trình tổng hợp axit béo, trong đó có purin hình thành nên các axit Nucleic và có mặt trong thành phần axit amin, trong cấu tạo võng mạc và giác mạc của mắt.</p> </div> <p style="text-align: justify;">Ngoài ra, vitamin B2 còn giúp hấp thụ vitamin và khoáng chất khác vào cơ thể như B3, B6, axit folic, rất quan trọng trong việc phòng chống thiếu máu do thiếu sắt; Giúp hình thành các tế bào hồng cầu và kháng thể, giúp giải phóng năng lượng; Có tác dụng như một chất chống oxy hóa để loại bỏ các gốc tự do từ các tế bào</p> <p style="text-align: justify;">Khi cơ thể thiếu vitamin B2 sẽ gây ra những tổn thương đến da, niêm mạc và cơ quan thị giác. Người bị thiếu vitamin B2 sẽ cảm thấy mệt mỏi, giảm khả năng làm việc, vết thương lâu lành, thiếu máu, rối loạn chức năng ruột, ăn không tiêu, viêm ruột kết mạn tính, suy gan, viêm gan cấp, phát ban, ngứa toàn thân, viêm lưỡi, phù ở niêm mạc môi hoặc teo niêm mạc môi… Trẻ em thiếu vitamin B2 sẽ chậm lớn. Đối với mắt: Xuất hiện triệu chứng ngứa, rát bỏng, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, viêm bờ mi hoặc loét mi, viêm kết mạc kết tụ quanh rìa, đục nhân mắt. Ngoài ra, đáy mắt đôi khi có phù gai thị, chảy máu võng mạc…</p> <p style="text-align: justify;">Nguyên nhân gây thiếu vitamin B2 là do: Chế độ ăn uống không đủ; Cơ thể kém hấp thu; Thiếu các vitamin nhóm B khác; Sử dụng một số thuốc gây thiếu hụt vitamin B2 như: clorpromazin, imipramin…; Khi cơ thể nhiễm khuẩn, sốt, tiêu chảy, bỏng, chấn thương nặng, cắt bỏ dạ dày, stress, bệnh gan, ung thư; Trẻ em có lượng bilirubin trong máu cao; Những người nghiện rượu làm giảm khả năng hấp thụ vitamin B2 xuống còn một nửa.</p> <p style="text-align: justify;">Chỉ bổ sung vitamin sung vitamin B2 bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ đối với những trường hợp bắt buộc. Cách bổ sung đơn giản và hiệu quả nhất là hàng ngày ăn uống với chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ. Nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin B2 như rau xanh lá, các loại đậu, gan, thận, trứng, cá... Đặc biệt, người có nguy cơ thiếu vitamin B2 nên trọng dụng các thực phẩm có chứa nhiều Riboflavin trong 100g thực phẩm như sau: gan 1,5 - 13mg, trứng 034 – 0,60mg, nấm 0,26 – 0,44mg, sữa chua 0,13 - 0,27mg, thịt 0,05 – 0,47mg, bánh mỳ 0,06 – 0,17mg, rau xanh đã nấu chín 0,01 – 0,14mg...</p>