Bổ sung axit folic sớm bằng đường uống và thực phẩm
Theo BSCKI Dương Ngọc Vân, chuyên khoa Sản phụ, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, axit folic rất cần thiết cho sự phát triển, phân chia tế bào và cho sự hình thành tế bào máu. Axit folic là yếu tố không thể thiếu trong việc giúp cơ thể sản sinh ra hồng cầu bởi hồng cầu. Vai trò của axit folic trước lúc có thai hoặc tuần đầu tiên của thai kỳ giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh. Axit folic có thể ngăn ngừa dị tật tim ở đứa trẻ và các dị tật bẩm sinh về miệng là hở môi và vòm miệng.
Nhu cầu axit folic trung bình ở người trưởng thành là 400mcg/ngày. Nhu cầu này tăng lên trong thời kỳ mang thai (600mcg/ngày) để đáp ứng cho sự phân chia tế bào cũng như sự tăng kích thước của tử cung. Sự thiếu hụt axit folic sẽ dẫn đến thiếu máu hồng cầu, nguy cơ sẩy thai cao, sinh non, sinh con nhẹ cân. Đặc biệt, việc thiếu axit folic có thể gây khuyết tật ống thần kinh của thai nhi, gây nứt đốt sống và não úng thủy (não có nước). Do vậy, việc bổ sung axit folic là rất cần thiết, hàm lượng khuyến cáo là 400 - 600mcg/ngày, với lượng này nếu axit folic dư sẽ được thải ra nước tiểu và không có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người uống viên bổ sung axit folic trước khi có bầu 1 năm sẽ giảm thiểu được nguy cơ sinh non so với những người phụ nữ khác. Khi axit folic vào cơ thể sẽ kích thích sản xuất những tế bào mới khỏe mạnh. Việc sử dụng các loại vitamin này trước và trong suốt giai đoạn thai kỳ sẽ giúp ngăn ngừa các khiếm khuyết ở ống thần kinh của thai nhi cũng như làm giảm thiểu được các nguy cơ như liệt não, chậm phát triển về trí tuệ, mắc các bệnh phổi mãn tính.
Axit folic có thể bổ sung từ thực phẩm. Cam rất giàu axit folic, là nguồn dồi dào của chất xơ và vitamin C giúp tăng khả năng hấp thụ sắt, giảm nguy cơ táo bón. Trong quá trình mang thai, người mẹ cần uống nhiều sữa. Ngoài axit folic, sữa chứa nhiều protein và canxi, rất tốt cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Đối với rau xanh, mẹ mang thai nên chú ý bổ sung rau bina là loại rau có hàm lượng axit folic rất cao so với các loại rau sẫm màu khác. Đây cũng là loại rau giàu sắt, rất tốt cho phụ nữ mang thai. Tiếp đến là bông cải xanh chứa nhiều axit folic và ngăn ngừa táo bón khi mang thai.
Về chất đạm, có thể bổ sung lòng đỏ trứng gà vì giàu đạm, giàu vitamin A, vitamin D, axit folic. Đậu tương cũng là thực phẩm cần ưu tiên vì chứa lượng axit folic dồi dào. Ngoài đậu tương có thể bổ sung ngũ cốc thô, khoai tây vì ngoài axit folic, đây là thực phẩm chứa kẽm hỗ trợ cho sự phát triển dây thần kinh não của thai nhi. Đối với hoa quả, có thể bổ sung thêm quả bơ vì ngoài axit folic quả bơ còn rất giàu chất béo lành mạnh axit béo omega 3, tốt cho tim mẹ và não bé.
Thiếu máu - yếu tố nguy cơ trong sản khoa
Song hành cùng axit folic là sắt. Sắt trong cơ thể có vai trò rất quan trọng vì đây là yếu tố cần thiết để tạo hồng cầu. Sắt còn giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm khuẩn vì sắt tham gia vào thành phần của một enzym trong hệ miễn dịch, sắt giúp biến đổi betacaroten thành vitamin A, giúp tạo colagen (giúp gắn kết các mô cơ thể). Nếu sắt không được cung cấp đủ sẽ đưa đến thiếu máu thiếu sắt. Khi có thai, dự trữ sắt trong cơ thể phụ nữ không đáp ứng đủ việc tạo hồng cầu, do sự tăng thể tích máu ngày càng nhiều để nuôi thai nhi.
Bệnh thiếu máu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ cả mẹ lẫn con. BSCKI Dương Ngọc Vân cho biết, người mẹ thiếu máu thường mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, khó thở khi gắng sức, khi đẻ có nhiều rủi ro, tỷ lệ tử vong khi đẻ ở những người mẹ thiếu máu cao hơn. Người ta đã coi thiếu máu là một yếu tố nguy cơ trong sản khoa. Đối với thai nhi, thiếu máu thường gây tình trạng đẻ non và tử vong sơ sinh cao. Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh thường do mẹ bị thiếu sắt nên lượng sắt dự trữ của cơ thể trẻ thấp. Khi mang thai tổng lượng sắt cần >1.000mg hay nhu cầu sắt hàng ngày là 59,2mg sắt nguyên tố (so với 39,2mg/ngày ở phụ nữ không có thai). Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo, phụ nữ lần đầu tiên phát hiện có thai nên sử dụng viên sắt mỗi ngày, uống kéo dài tới sau khi sinh một tháng. Liều bổ sung là 60mg sắt kèm theo axit folic 400mcg mỗi ngày.
Trên thị trường hiện nay thuốc sắt được bào chế dưới 2 dạng sắt nước và viên sắt. Sắt nước có ưu điểm là dễ hấp thu, ít gây táo bón, ít gây nóng nhưng lại khó uống và dễ gây buồn nôn. Viên sắt có ưu điểm là dễ uống, không gây buồn nôn nhưng hấp thu kém hơn sắt nước và gây nóng trong nhiều hơn. Sắt nên uống lúc đói bụng và uống kèm với các loại nước giàu vitamin C như nước cam, nước chanh...
Uống sắt sau ăn 1 - 2 giờ để cơ thể được hấp thụ sắt tốt nhất. Không uống sắt cùng sữa hoặc các thuốc bổ sung canxi, thực phẩm giàu canxi vì canxi làm cản trở khả năng hấp thụ sắt. Khi uống sắt cần uống nhiều nước và ăn những thực phẩm giàu chất xơ để phòng ngừa táo bón. Ngoài việc uống sắt, nên ăn bổ sung những thực phẩm giàu sắt như các loại thịt có màu đỏ, các loại đậu, ngũ cốc, các loại rau có lá xanh đậm, bông cải, bí ngô và trái cây khô. Thực phẩm có nguồn gốc động vật được coi là nguồn hấp thu sắt tốt hơn so với thực vật.