<p><strong>Cha mẹ chỉ quan tâm bổ sung vitamin A, vitamin D, sắt, canxi...</strong></p> <p>Từ trước đến nay, cha mẹ thường chỉ quan tâm tới việc con có bị thiếu sắt, canxi, vitamin A, vitamin D hay không. Ít ai biết rằng <strong>vitamin K </strong>cũng có vai rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ. Tới khi con trẻ phải lãnh hậu quả, cha mẹ hối hận thì đã muộn.</p> <p>Bé N.T.Th (3 tuổi) đang điều trị tại khoa Điều trị và Chăm sóc đặc biệt cho trẻ bại não, Bệnh viện Châm cứu Trung ương do bị di chứng bại não vì xuất huyết não. Theo chia sẻ của bà ngoại bé, lúc bé Th khoảng hơn 1 tháng tuổi thì thấy bé có các biểu hiện như bứt rứt, quấy khóc, ăn vào thì nôn ói.</p> <div> <div style="text-align: center;"><img alt="Từ trước đến nay, cha mẹ thường chỉ quan tâm tới việc con có bị thiếu sắt, canxi, vitamin A, vitamin D hay không (Ảnh minh họa)." src="https://khds.1cdn.vn/2018/10/29/photo-0-15407763709961309905560(1).jpg" /></div> <div> <p style="text-align: center;"><em>Từ trước đến nay, cha mẹ thường chỉ quan tâm tới việc con có bị thiếu sắt, canxi, vitamin A, vitamin D hay không (Ảnh minh họa).</em></p> </div> </div> <p>Gia đình chị H - mẹ bé Th, đã rất lo lắng đưa bé Th đi khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị xuất huyết não và phải nhập Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Tại bệnh viện nhi, bác sĩ nghi ngờ tình trạng xuất huyết não của bé Th là do thiếuvitamin K vì gia đình cho biết bé chưa từng được tiêm hay uống loại vitamin này.</p> <p>Tuy được điều trị nhưng bé Th đã không tránh khỏi di chứng bại não. Sau khi điều trị, sức khỏe của bé Th ổn định, gia đình chị H đã tìm hiểu và cho bé Th nhập Bệnh viện châm cứu Trung ương để có thể phục hồi được một phần chức năng cho bé.</p> <p>Theo TS. BS Đặng Ánh Dương, Phó trưởng khoa Hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhi trung ương, vitamin K có vai trò rất quan trọng trong quá trình đông máu của trẻ. Khi trẻ bị thiếu vitamin K, hệ đông máu của trẻ sẽ không được hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ bị xuất huyết não.</p> <div> <div style="text-align: center;"><img alt="Mẹ Tiểu Hạo không ngờ rằng việc này lại ảnh hưởng đến sức khỏe của bé khi đã chào đời (Ảnh minh họa)." src="https://khds.1cdn.vn/2018/10/29/photo-1-1540776370998310201212.jpg" /></div> <div> <p style="text-align: center;"><em>Mẹ Tiểu Hạo không ngờ rằng việc này lại ảnh hưởng đến sức khỏe của bé khi đã chào đời (Ảnh minh họa).</em></p> </div> </div> <p>Một trường hợp khác là bé Tiểu Hạo (1 tháng tuổi ở Phúc Kiến, Trung Quốc). Sau khi dùng tay cào vào hai má mình gây trầy xước, chảy máu, những tưởng chỉ vài ngày bé sẽ khỏi nhưng vết thương của Tiểu Hạo mãi không đóng vảy, bé không ngừng quấy khóc. Lo lắng, mẹ Tiểu Hạo đã đưa con đến bệnh viện khám. Sau khi xét nghiệm máu và chức năng đông máu, các bác sĩ nghi ngờ bé bị thiếu vitamin K. Tìm hiểu thêm, các bác sĩ phát hiện ra rằng việc thiếu hụt vitamin K ở Tiểu Hạo là kết quả của việc mẹ quá kén ăn. Mẹ bé cho biết cô vốn kén ăn, thêm vào đó thời gian cuối thai kì, cô cũng không ăn rau và hoa quả vì người lớn cho rằng những đồ này lạnh, sợ ảnh hưởng đến trẻ. Mẹ Tiểu Hạo không ngờ rằng việc này lại ảnh hưởng đến sức khỏe của bé khi đã chào đời.</p> <p><strong>Vì sao trẻ cần phải bổ sung vitamin K</strong></p> <p>Vitamin K có vai trò rất quan trọng đối với trẻ nhưng hiện nay rất ít bố mẹ quan tâm tới. Khi trẻ quấy khóc, ra mồ hôi trộm hoặc da trẻ xanh thì bố mẹ luôn hỏi cháu có cần vitamin D, canxi hoặc bổ sung sắt không, chẳng ai nghĩ cần bổ sung vitamin K.</p> <p>"<i>Lý do của việc các bậc phụ huynh chưa quan tâm tới vitamin K có thể là do nhận thức và việc tuyên truyền chưa đầy đủ. Đây có thể là do bố mẹ chưa biết được tầm quan trọng của loại vitamin này với trẻ nhỏ</i>", bác sĩ Ánh Dương nói.</p> <div> <div style="text-align: center;"><img alt="Có thể bổ sung vitamin K cho trẻ bằng đường uống hoặc đường tiêm." src="https://khds.1cdn.vn/2018/10/29/photo-2-15407763709991564315307.jpg" /></div> <div> <p style="text-align: center;"><em>Có thể bổ sung vitamin K cho trẻ bằng đường uống hoặc đường tiêm.</em></p> </div> </div> <p>Vitamin K là loại vitamin có vai trò rất quan trọng đối với nhóm trẻ từ 0-6 tháng tuổi. Theo nghiên cứu, 90% trẻ xuất huyết não do thiếu vitamin K thường xảy ra vào lúc 30-40 ngày tuổi, mà nguyên nhân là do thiếu vitamin K. Các trẻ bị xuất huyết não dù được điều trị tích cực nhưng tỉ lệ tử vong hoặc để lại di chứng vẫn còn cao (tỉ lệ tử vong là 25-40%, di chứng là 40-50%).</p> <p>Những di chứng nặng nề trẻ bị xuất huyết não sau điều trị có thể kể tới như: teo não, não úng thủy, não bé, động kinh, bại não hoặc dị tật về phát triển tâm thần vận động.</p> <p>"<i>Trẻ nhỏ 0-6 tháng tuổi dễ bị thiếu vitamin K là do ở giai đoạn này hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ chưa hoàn thiện nên chưa tổng hợp được lượng vitamin cần thiết để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Trẻ thiếu vitamin K sẽ ảnh hưởng tới quá trình đông, cầm máu, nguy cơ cao trẻ có thể bị xuất huyết não</i>", bác sĩ Ánh Dương nói.</p> <p>Để đề phòng xuất huyết não, trẻ cần được cung cấp vitamin K ngay sau sinh theo 2 phương pháp: tiêm (bắp) hoặc uống. Tiêm cho tất cả trẻ mới sinh một mũi vitamin K1 1mg hoặc vitamin K3 2mg. Ngoài ra có thể cho trẻ sơ sinh uống vitamin K1 2mg, 3 lần. Lần 1: sau khi sinh, lần 2: 7 ngày tuổi và lần 3: 1 tháng tuổi.</p> <p style="text-align: right;">Theo <i>Helino</i></p>