Khi chào đời, bé được phát hiện bệnh tim bẩm sinh và đã phẫu thuật tim. Năm 2019, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám chẩn đoán bé bị vẹo cột sống bẩm sinh do bất thường phân đoạn và bất thường hình thành cấu trúc thân đốt sống, khiến cho toàn bộ cột sống vùng cổ và ngực bé bị biến dạng vẹo lệch sang bên trái.
Tuy nhiên, khi ấy bé đang trong quá trình tiến triển của đường cong nên bác sĩ chỉ định theo dõi sự biến dạng bằng cách chụp X-quang sau mỗi 6 tháng, nhằm bắt được giai đoạn tăng trưởng bất thường thì sẽ có chỉ định can thiệp phẫu thuật.
Thế nhưng suốt bốn năm qua, gia đình không đưa bé đi khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Đến nay đầu bé bị vẹo sang một bên, nhập viện muộn nên việc phẫu thuật trở nên rất khó khăn.
BS.Trần Trung Kiên, Khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết đây là trường hợp rất đáng tiếc. "Nếu bé được khám lại kịp thời, theo dõi chặt chẽ sau mỗi 6 tháng thì rất có thể đã có giải pháp điều trị phù hợp hơn", bác sĩ Kiên nói.
Hiện, bé được chỉ định đeo nẹp nhưng mang tính chất tạm thời, rất ít hiệu quả. Tuy nhiên, đây là phương pháp tối ưu cho bé, nếu không trẻ không thể ngồi được vào bàn học.
Theo bác sĩ Kiên, trẻ bị vẹo cột sống bẩm sinh có thể phát hiện ở những tháng cuối thai kỳ, siêu âm có thể phát hiện và đưa ra tiên lượng theo dõi cũng như điều trị. Một số trẻ được phát hiện dị tật sau khi sinh, hoặc sau mỗi giai đoạn phát triển như lẫy, ngồi, đứng, đi... "Đây là nhóm biến dạng cột sống cần phải theo dõi vô cùng sát sao bởi tốc độ tiến triển rất nhanh, đặc biệt trong những năm đầu, vẹo cột sống chèn ép nặng cơ quan nội tạng có thể khiến trẻ tử vong", bác sĩ nói.
Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên quan sát con cái hàng ngày từ đằng sau lưng để loại trừ các dấu hiệu cong vẹo cột sống. Tùy vào tình trạng cong vẹo cột sống sau khi thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị tương ứng. Người thân không nên chủ quan, cần theo dõi tiến triển bệnh của con, tránh bỏ qua thời điểm "vàng" để can thiệp khiến con mang tật suốt đời.