Thông tin trên được phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết tại Hội nghị triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi diễn ra chiều 25/10.
Đại diện Bộ NNPTNT cũng khẳng định, thông tin lợn đang tồn đọng 8 triệu con trong dân là không xác thực. Mà do nhu cầu thịt lợn giảm, lợn quá tuổi xuất chuồng ứ đọng khoảng 30% (dư khoảng 1,5 triệu con)
Phân tích kỹ hơn về giá lợn hơi đi xuống thời gian qua, ông Trọng cho biết bình thường lợn thịt xuất chuồng từ 100-120 kg/con.
Nhưng thị trường giảm thì phải nuôi thêm thời gian, trọng lợn tăng trên 120 kg. Khi đó, tăng trọng chủ yếu là mỡ nên khối lượng lợn càng lớn thì giá lợn hơi xuất chuồng càng thấp.
Bên cạnh đó, chu kỳ nuôi sau cai sữa đến sinh sản của lợn mất 17-18 tháng; riêng lợn nuôi để thịt phỉa từ 5-6 tháng.
Do đó, năm 2020 trở về trước đã có kế hoạch sản xuất thịt lợn năm 2021, nên khi nhu cầu có thay đổi bất thường thì sản xuất không thể thay đổi kịp trong thời gian ngắn.
Về tình hình giá thịt lợn hơi hiện nay, ông Trọng cho biết trong những ngày gần đây, giá lợn hơi đã tăng đều trở lại, dao động ở mức 35.000 - 45.000 đồng/kg, một số tỉnh còn lên tới 49.000 đồng/kg.
Dự báo, trong 2 tuần tới, giá thịt lợn sẽ tiếp tục đà tăng ở mức ổn định.
Tính đến hết tháng 9, đàn lợn cả nước tăng 3,8% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt 9 tháng đầu năm, ước đạt 3,06 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng nhập khẩu thịt lợn trong 9 tháng đầu năm đạt 112.700 tấn, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt lợn trong nước.
Do đó, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm phần nhỏ so với sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước, nên không thể ảnh hưởng đến việc giá thịt lợn giảm mạnh, giảm sâu.
Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi mở rộng thị trường.
Ông Tiến còn cho biết đã đề xuất Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19.
Cùng với đó là xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế bảo vệ môi trường, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022, có chính sách bố trí đất cho chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, đầu tư hạ tầng cho giết mổ, chế biến.