<div> <p style="text-align: justify;"><span>Ngày 10/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), để hoàn thiện trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới. Trước đó, dự thảo bộ luật này được công bố và lấy ý kiến trên Cổng thông tin Chính phủ. Cơ quan soạn thảo, Bộ LĐTB&XH cũng công bố dự thảo và lấy ý kiến nhân dân. Một trong những nội dung được báo chí và dư luận quan tâm trong những ngày qua là đề xuất thay đổi giờ làm việc của các cơ quan hành chính. Cụ thể, thời gian làm việc đề xuất điều chỉnh là từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút. Còn phương án 2, giữ nguyên như hiện hành.</span></p> <p style="text-align: justify;"><span>Tại buổi họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), cho biết, quan điểm của Bộ Nội vụ là đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, không thay đổi. Bởi trong Bộ luật Lao động đã quy định rõ quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động.</span></p> <p style="text-align: justify;"><span>“Giờ làm việc của cơ quan hành chính phải thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan hành chính. Hơn nữa Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định chế độ làm việc 40 giờ/tuần. Vì vậy nên thực hiện theo quy định hiện hành là hợp lý”, ông Dũng nêu.</span></p> <p style="text-align: justify;"><span>Lý giải về đề xuất này, cơ quan soạn thảo cho rằng, hiện thời gian áp dụng giờ làm việc trong các cơ quan nhà nước không có sự thống nhất giữa các cơ quan trung ương và địa phương. Trong khi các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8 giờ, thì đa số các địa phương bắt đầu từ 7 giờ vào mùa hè, hoặc 7 giờ 30 với mùa đông.</span></p> <p style="text-align: justify;"><span>Ban soạn thảo cho rằng, việc thay đổi giờ làm theo phương án đề xuất trên giúp thống nhất giờ làm việc cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, phù hợp hơn với thời gian làm việc của các quốc gia.</span></p> <p style="text-align: justify;"><span>Theo Tiền Phong</span></p> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>