Đụng chạm đến lợi ích nhiều người
Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Trong đó đáng chú ý là việc đề xuất hợp nhất, sáp nhập 17 sở, ngành; giảm 46 – 88 sở, ngành trong cả nước. Theo ông, vấn đề sát nhập sở ngành, đặt ra lúc này có phù hợp?
Đây là chủ trương đã được thống nhất phải thực hiện, đã đến lúc buộc phải làm rồi. Mục đích của việc này là để tinh gọn bộ máy, giảm biên chế. Bộ máy của chúng ta hiện nay đang cồng kềnh quá rồi. Tiền thuế nộp cho ngân sách dành đến 60-70% trả lương cho cán bộ công chức, gánh nặng tiền lương này rất nặng nề. Trong khi đó có bao nhiêu lĩnh vực phải đầu tư, phát triển thì việc giảm gánh nặng trả lương của ngân sách là việc làm cần thiết. Hơn nữa tinh gọn thế này sẽ giảm đầu mối công việc, giảm biên chế, giảm quỹ lương. Rất nhiều cái được khi tinh giảm.
Công tác cán bộ có lẽ là điều người ta quan tâm nhất khi sát nhập. Làm thế nào để không nảy sinh tham nhũng, theo ông?
Quan trọng nhất là thực hiện một cách dân chủ, công khai. Tinh gọn bộ máy sẽ đụng chạm đến quyền lực, lợi ích của nhiều người. Tuy nhiên, phải xem đây là cuộc cách mạng trong bộ máy, là sự đổi mới toàn diện. Rào cản lớn của vấn đề tinh gọn bộ máy chính là sự đụng chạm đến quyền lực, lợi ích của nhiều người. Tuy nhiên phải xem đây là cuộc cách mạng trong bộ máy, là sự đổi mới toàn diện, triệt để, xóa bỏ những cái lạc hậu, cũ kỹ.
Giả sử như sát nhập 2 sở lại, ai là lãnh đạo là vấn đề khá khó?
Để tránh tiêu cực thì buộc phải làm công khai, minh bạch. Ví dụ như sát nhập 2 sở, chọn lãnh đạo thì phải dựa trên năng lực của hai lãnh đạo cũ. Ai có năng lực tốt hơn, được tín nhiệm hơn thì chọn. Có thể chọn công khai bằng cách tổ chức bỏ phiếu, lấy ý kiến công khai. Ai phù hợp hơn, trình độ khá hơn thì được chọn. Quan trọng làm phải làm một cách dân chủ, khách quan, không vụ lợi.
Nhưng nói như thế thì dường như vẫn mông lung?
Quan trọng là thực hiện có khách quan, dân chủ thực sự hay không mà thôi. Đơn giản nhất như tổ chức lấy phiếu tín nhiệm công khai, ai cao phiếu hơn thì được.
Vấn đề là khi tinh gọn thì giải quyết thế nào số biên chế dôi dư?
Ngoài những biện pháp đưa đội ngũ dư thừa này vào các cơ quan cần thiết, theo tôi nên khuyến khích họ tìm việc mới, có chế độ phụ cấp nhất định để họ có thể làm ăn bên ngoài hay đầu quân cho các tổ chức phù hợp với năng lực.
Phải giám sát
Theo ông thì làm thế nào để việc tinh giản đi vào thực chất?
Trước tiên là phải có sự chỉ đạo và phê duyệt chủ trương chung ấy. Sau đó giám sát quá trình thực hiện, chỉnh sửa ngay khi có vấn đề phát sinh, xử lý nghiêm các sai phạm. Còn nếu đề ra kế hoạch là thế nhưng lại “buông”, không kiểm tra giám sát thì sẽ không thể đi vào thực chất được. Nếu để người thực thi muốn làm thì thì làm, sẽ rất khó để đạt được mục tiêu tinh giản.
Giảm ai, câu chuyện xem ra vẫn khó?
Có khi nào người có quan hệ, thuộc hàng “con ông cháu cha” thì được giữ lại, còn người có năng lực thực sự thì lại bị rơi vào diện giảm biên chế? Để làm được điều này thì chỉ có cách phải giám sát từ bên trên. Sau đó là công khai, minh bạch. Đưa ra các tiêu chí rõ ràng, danh sách tinh giản rõ ràng để không ai thắc mắc được. Khi đó thì quần chúng có thể giám sát. Tránh những tiêu cực trong công tác cán bộ.
Nhưng nói “giám sát” hay “công khai” thì dường như vẫn còn lý thuyết lắm?
Cứ công khai, minh bạch, dân chủ thì sẽ làm được. Ngoài ra phải có sự chỉ đạo sát sao từ trên, từ Thủ tướng đến các ban ngành trung ương, từ Bộ trưởng đến các ban ngành bên dưới. Làm sao để tạo ra sự thống nhất, quyết tâm cao. Thường xuyên giám sát, kiểm tra, nhắc nhở. Phải làm với tinh thần thực sự quyết liệt thì mới được.
Thử thách lãnh đạo
Khi tinh giảm, thu gọn đầu mối, công việc sẽ bị ảnh hưởng thế nào thưa ông?
Nói chung sẽ có sự xáo trộn về quy trình và tinh thần làm việc. Điều này đòi hỏi người lãnh đạo phải có năng lực quản lý tốt để điều phối. Đây cũng là dịp để thử thách lãnh đạo, xem vị ấy có đảm đương được công việc ấy không, có chứng minh được mình có năng lực hay không.
Khi vị trí việc làm ít mà người thì nhiều, vai trò của lãnh đạo càng lớn, làm thế nào để tránh tình trạng bổ nhiệm, đề bạt con cháu?
Để thực hiện tinh gọn bộ máy thì cùng với đó cũng phải có cơ chế kiểm soát không để hiện tượng quan chức lợi dụng chức vụ mưu cầu lợi ích cá nhân, đưa con cháu mình vào các vị trí công việc mà không coi trọng việc đề bạt, sử dụng đúng những thanh niên ưu tú trong các thành phần xã hội. Cần cụ thể hóa những quy định, quy chế của Đảng và Nhà nước. Nơi nào chưa cụ thể hóa được những quy định đó thì phải bổ sung ngay.
Trong “cuộc thanh lọc” ấy, làm sao để chọn đúng người?
Để lọc bỏ đúng người thì cũng phải lựa chọn đúng người, bổ nhiệm, đánh giá đúng người. Tất cả những người được đề bạt, bổ nhiệm phải có chương trình hành động và công bố cho địa phương, cơ sở, thậm chí đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.
Xin cảm ơn ông!
Theo đó, có 3 phương án về khung số lượng sở, ngành. Phương án 1, quy định Hà Nội, TP.HCM không quá 20; các tỉnh còn lại từ 17- 19 sở, ngành. Cả nước sẽ giảm tối thiểu 46 sở. Phương án 2, Hà Nội, TP.HCM không quá 20; các tỉnh, thành còn lại không quá 17-18 sở, ngành. Cả nước giảm tối thiểu 88 sở, ngành. Phương án 3, sắp xếp các sở, ngành không vượt quá số lượng hiện có. Hạn chế của phương án này là địa phương không chủ động và thực hiện quyết liệt thì sẽ không tinh giảm được đầu mối. Để đảm bảo thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy có lộ trình, tránh xáo trộn lớn, Bộ Nội vụ đề xuất chọn phương án 1.
17 sở có thể hợp nhất, sáp nhập
Số khung các sở ngành được tính toán dựa trên việc sắp xếp lại 21 sở, ngành hiện có. Trong đó có 4 sở gồm: Tư pháp, TN&MT, LĐ-TB&XH, Y tế được tổ chức thống nhất trên cả nước, 17 sở ngành còn lại giao cho địa phương quyết định hợp nhất, sáp nhập, sắp xếp lại theo từng tình hình. Cụ thể các sở: KH&ĐT, Tài chính, GTVT, Xây dựng, NN&PTNT, Công thương, GD&ĐT, KH&CN, VH-TT&DL, TT&TT sẽ do UBND tỉnh trình HĐND quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất lại với nhau. Còn các Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND, Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức thí điểm hợp nhất với Ban Tổ chức tỉnh, UB Kiểm tra tỉnh và Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 18 TƯ 6.
Tô Hội (thực hiện)