Không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021
Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo báo cáo Chính phủ. Dự thảo nêu rõ trong năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết định lựa chọn, thống nhất phương án khuyến nghị Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trên thực tế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2020 tăng 3,23% nên lương tối thiểu năm 2020 sau khi cập nhật lại đã đảm bảo cao hơn 2,28% so với mức sống tối thiểu. Vì vậy, khi tiếp tục giữ nguyên mức lương tối thiểu này để áp dụng cho năm 2021 thì vẫn đáp ứng được mức sống tối thiểu.
Trường hợp CPI cả năm 2021 tăng cao hơn 2,28% thì về nguyên tắc hội đồng sẽ tính toán phần lương tối thiểu thấp hơn mức sống tối thiểu để xem xét đưa vào điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ năm 2022.
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê về lao động, việc làm cả năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động hiện vẫn còn nhiều khó khăn và chưa thể phục hồi như trước khi xảy ra dịch bệnh.
Công ty CP Giầy da Huê Phong buộc phải thu hẹp sản xuất, tiếp tục cắt giảm 1.577 công nhân. (ảnh: internet) |
Năm 2020 cả nước có 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019. Trung bình mỗi tháng có gần 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Lực lượng lao động là 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,48%, cao hơn 0,31% so với năm 2019. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,4 triệu người, giảm 1,26 triệu người so với năm 2019.
Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương là 6,62 triệu đồng/người/tháng, giảm 75.800đ so với năm 2019.
Điều này cho thấy năm 2020 mặc dù lương tối thiểu được điều chỉnh tăng nhưng thu nhập của người lao động vẫn giảm. Do lương tối thiểu chỉ để bảo đảm mức sàn thấp nhất cho người lao động, tăng lương tối thiểu không dẫn đến việc tăng tiền lương, thu nhập chung của người lao động.
Từ thực tế nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021 là phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, người lao động duy trì việc làm, tái tham gia thị trường lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Vẫn theo Bộ LĐ-TB&XH, nếu tình hình kinh tế xã hội và các yếu tố điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng thuận lợi thì có thể xem xét điều chỉnh tiền lương vào ngày 1/1/2022.
Bên cạnh đó đa số các quốc gia lựa chọn thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu trùng với thời điểm bắt đầu năm tài chính để tạo thuận tiện cho việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Năm tài chính của Việt Nam bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc vào ngày 31/12.
Từ những nội dung trên, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1 như thời gian vừa qua đã thực hiện. Nếu có yếu tố biến động bất thường, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động
Theo Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm trong năm 2020 của Tổng cục Thống kê, đại dịch Covid-19 khiến thị trường lao động Việt Nam gặp nhiều sóng gió với hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Lần đầu tiên trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số người tham gia thị trường lao động và số người có việc làm. Thu nhập bình quân của người lao động cũng theo đó bị thâm hụt. Các chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức đều tăng cao trái ngược hẳn với xu thế giảm trong các năm gần đây.
Đối với nhiều doanh nghiệp ở thời điểm này, việc duy trì sản xuất, giữ việc làm và đảm bảo thu nhập cho người lao động đã là việc rất khó khăn.
Chính vì vậy, người lao động nên có sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải tồn tại mới bảo vệ được việc làm cho người lao động.
Do nguyên nhân khách quan đã đẩy doanh nghiệp đến khó khăn, dẫn đến phải hoạt động cầm chừng để duy trì việc làm, thậm chí thu nhập của người lao động còn bị giảm đi.
Nếu thực hiện tăng lương trong tình hình khó khăn như vậy, có thể gây tác dụng ngược, bởi khi doanh nghiệp quá khó khăn, không thể tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh thì người lao động hoàn toàn sẽ đứng trước nguy cơ bị mất việc làm.
Trong bối cảnh như vậy, người lao động cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để trước mắt giữ được việc làm. Người lao động chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp cũng chính là gìn giữ, bảo vệ ổn định lâu dài việc làm và thu nhập của mình trong tương lai.
Song cũng cần tiếp tục bám sát vào tình hình thực tế của dịch bệnh Covid-19 và tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp để trong năm 2021, Hội đồng Tiền lương quốc gia có thể cân nhắc xem xét quyết định phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng phù hợp nhất nhằm hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động.
Những năm qua, tiền lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng đều đặn hàng năm để phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Như vậy, với khuyến nghị chưa điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2021 thì đây sẽ là lần đầu tiên lương tối thiểu không tăng sau nhiều năm.