<div> <p style="text-align: justify;">Chiều chủ nhật 19/5, Ủy ban về các vấn đề xã hội tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).</p> <p style="text-align: justify;">Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh nói đây là phiên họp đặc biệt vì ngay sát ngày khai mạc kỳ họp thứ 7 (Quốc hội khóa XIV) để thẩm tra một bộ luật quan trọng, liên quan đến nhiều quyền của người lao động.</p> <h3 style="text-align: justify;">Chính phủ chọn phương án nâng tuổi nghỉ hưu chậm</h3> <p style="text-align: justify;">Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp (cơ quan soạn thảo Bộ luật Lao động sửa đổi) cho biết từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi hưu.</p> <p style="text-align: justify;">Ông Diệp nhấn mạnh việc điều chỉnh cần có tầm nhìn dài hạn và lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp. Đặc biệt, phương án phải không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động, bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn…</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Bo Lao dong lo 'gay soc' thi truong khi nang nhanh tuoi nghi huu hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/05/19/galaxy_s8676767676(1).jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption" style="text-align: justify;">Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đưa ra 2 phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Ảnh minh họa: <em>Samsung.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Trên cơ sở đó, Bộ trình 2 phương án điều chỉnh.</p> <p style="text-align: justify;">Phương án 1, từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ.</p> <p style="text-align: justify;">Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Như vậy, đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60.</p> <p style="text-align: justify;">Phương án 2, từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ.</p> <p style="text-align: justify;">Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Với lộ trình nhanh hơn này, đến năm 2026 lao động nam sẽ đạt 62 tuổi và đến năm 2030 nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60.</p> <p style="text-align: justify;">“Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết.</p> <p style="text-align: justify;">Theo cơ quan soạn thảo, nâng tuổi nghỉ hưu nhanh có thể dẫn đến số người thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đột ngột, gây ra những vấn đề xã hội bức xúc.</p> <p style="text-align: justify;">Cùng với đó, việc này có thể tạo ra tâm lý không hài lòng đối với một bộ phận lớn người lao động, nhất là trong các doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư. Vì thế, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần giúp người lao động thích ứng dần và không gây sốc cho thị trường.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Bo Lao dong lo 'gay soc' thi truong khi nang nhanh tuoi nghi huu hinh anh 2 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/05/19/loi.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption" style="text-align: justify;">Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội. Ảnh:<em> K.B.</em></td> </tr> </tbody> </table> <h3 style="text-align: justify;">Thay ‘có thể nghỉ hưu’ bằng ‘quyền nghỉ hưu’</h3> <p style="text-align: justify;">Cũng tại lần sửa đổi nay, dự thảo Bộ luật Lao động quy định “quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn”.</p> <p style="text-align: justify;">Theo đó, dự thảo nêu rõ quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.</p> <p style="text-align: justify;">Bên cạnh đó là quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.</p> <p style="text-align: justify;">Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi (đại diện cơ quan thẩm tra), Bộ luật Lao động hiện hành quy định người lao động có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn 5 năm so với quy định. Nhưng lần sửa đổi này, đề nghị quy định người lao động có quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn 5 năm, tùy từng nhóm lao động.</p> <p style="text-align: justify;">“Đây là chế định quan trọng liên quan đến lợi ích của người lao động”, ông Lợi nói.</p> <p style="text-align: justify;">Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực đối với thị trường lao động khi ghi nhận “quyền nghỉ hưu” thay cho việc “có thể nghỉ hưu”, cũng như dự liệu phản ứng của dư luận xã hội để có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán.</p> <p style="text-align: justify;"><br /> </p> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>