Theo Bộ GTVT, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư năm 2011, do chưa bố trí được nguồn vốn nên phải giãn hoãn tiến độ.
Việc đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nhằm hoàn thiện mặt cắt ngang theo quy hoạch, từng bước hoàn thiện đường Vành đai 2, tăng cường khả năng lưu thông hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc, Đông Bắc Thủ đô Hà Nội là cần thiết.
Theo quy hoạch, đường vành đai 2 có quy mô mặt cắt ngang 8 - 10 làn xe. Vì vậy, đề xuất cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có quy mô 4 làn xe: 2 làn cơ giới (2x3,75)m, 1 làn xe buýt (1x4,25m), 1 làn xe hỗn hợp (1x4,75m) tương tự như phần cầu đã xây dựng trong giai đoạn 1 là phù hợp với quy hoạch, phù hợp với quy mô đường dẫn đã được xây dựng chờ sẵn của giai đoạn 1 và kết quả dự báo lưu lượng xe.
Bên cạnh đó, vị trí, kết cấu nhịp cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có kết cấu, hình dáng tương tự như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 (dầm hộp đúc hẫng cân bằng) là phù hợp.
Tuy nhiên, Bộ GTVT đề nghị chủ đầu tư cần thực hiện khảo sát cụ thể lưu lượng tại thời điểm lập dự án làm cơ sở xác định quy mô, bố trí tổ chức giao thông trên mặt cắt ngang của cầu Vĩnh Tuy.
Bộ GTVT cũng khuyến cáo UBND TP Hà Nội cần nghiên cứu, thiết kế chi tiết phương án tổ chức thi công trong điều kiện công trình giao thông đường phố, đảm bảo môi trường, mỹ quan đô thị và đặc biệt là phương án phân luồng giao thông trong điều kiện công trường chật hẹp để đảm bảo an toàn và thuận lợi trong giao thông.
Báo cáo NCTKT dự kiến tiến độ thực hiện dự án từ 2020 - 2022 với dự kiến hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi quý IV/2020. Tuy nhiên, trong dự kiến tiến độ dự án chưa đề cập đến công tác lựa chọn tư vấn lập dự án, lập thiết kế kỹ thuật, lập thiết kế bản vẽ thi công, ngoài ra cần xem xét, đánh giá khả năng bố trí nguồn vốn cho dự án (2.500 tỷ đồng), Bộ GTVT lưu ý UBND TP Hà Nội cần rà soát lại tiến độ thực hiện dự án cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi.