Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu Công ty TNHH Grab thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (xe GrabCar) trên địa bàn TP. Hà Nội, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến việc triển khai Grab tại 3 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội và Uỷ ban nhân dân các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành đối với các hoạt động vận tải có ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn địa phương.
Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH Grab nghiêm chỉnh chấp hành đúng theo quy định của pháp luật hiện hành, quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT và quy định của Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội.
Đặc biệt, không triển khai thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng (hợp đồng vận tải điện tử) trên địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.
Không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khi chưa có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở Giao thông vận tải các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc (gồm cả với xe taxi).
bo giao thong van tai yeu cau grab khong trien khai tai 3 tinh
Bộ GTVT yêu cầu Grab không được triển khai dịch vụ tại 3 tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc.
Được biết, hiện Bộ Giao thông vận tải vừa hoàn thành dự thảo lần 8 dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, đã có một số điểm mới so với dự thảo lần trước.
Trong dự thảo lần 8 này, Bộ Giao thông vận tải đã có quy định phân loại rõ hơn sự khác biệt giữa xe hợp đồng và xe taxi. Tuy nhiên, cả 2 loại xe này đều sẽ phải gắn mào khi hoạt động trên đường.
Cụ thể, xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sẽ phải niêm yết chữ “XE HỢP ĐỒNG” ở trên kính trước và kính phía sau xe theo quy định. Ngoài ra, “XE HỢP ĐỒNG” cũng phải có bảng điện tử gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 15x20 cm và phải được bật sáng khi tham gia giao thông. Ngoài ra, xe hợp đồng không được gom khách, đón khách ngoài danh sách do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe…
Trong một tháng, xe hợp đồng điện tử phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng. Việc xác định thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.