Vỏ cạnh tranh ruột độc quyền
Trong dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng đang được Cục Hàng không Việt Nam lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất bỏ giá trần vé máy bay nội địa với đường bay có 3 hãng trở lên khai thác. Tuy vậy, đề xuất này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của chuyên gia, doanh nghiệp (DN) hàng không, du lịch.
Cục Hàng không lý giải với sự tham gia của ngày càng nhiều hãng hàng không, thị trường vận chuyển nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao. Việc áp dụng giá trần sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không.
Ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines cho rằng chuyện bỏ giá trần khó dẫn tới tình trạng các hãng hàng không cùng nhau đẩy giá bởi hành khách biết rõ mức giá nào là phù hợp. Nếu có chuyện các hãng ngầm "bắt tay" đẩy giá, hành khách sẽ tẩy chay thì rút cục DN sẽ là người thiệt hại.
TS Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) cho rằng vẫn cần giá trần với vé máy bay nội địa. Vé máy bay giá rẻ hay chương trình khuyến mại hầu hết chỉ xuất hiện trong mùa thấp điểm. Vào dịp cao điểm, ngày lễ tết vẫn xảy ra tình trạng “cháy vé”.
Chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển lại cho rằng, thị trường hàng không Việt Nam chưa phải đúng nghĩa kinh tế thị trường. Ngành hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện, thậm chí cần rất nhiều điều kiện để được cấp phép hoạt động. Do đó, việc có giá trần để cơ quan quản lý nhà nước điều tiết, bảo đảm quyền lợi của hành khách là cần thiết.
Theo chuyên gia kinh tế này, có thể vẫn áp dụng giá trần cho các hãng hàng không có cổ phần chi phối lớn của nhà nước như Vietnam Airlines, bởi những hãng này vừa kinh doanh có lợi nhuận vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội. Còn những hãng tư nhân như Vietjet, Bamboo…, có thể bỏ giá trần vé máy bay để họ đầu tư vào sản phẩm, chất lượng và bán vé với đúng giá trị sản phẩm cung cấp cho hành khách. Trong trường hợp các hãng tư nhân "làm giá, đẩy giá" quá cao, hành khách có thể căn cứ trên cơ sở giá vé của hãng hàng không quốc gia để so sánh, từ đó cân nhắc mua vé của hãng nào.
Một số chuyên gia nhấn mạnh, không thể căn cứ vào số lượng hãng hàng không mà căn cứ vào tính chất của thị trường hàng không. Hiện nay thị trường hàng không Việt Nam có 6 hãng nội địa, song Vasco và Pacific Airlines đều là thành viên của Vietnam Airlines, Vietravel chiếm thị phần quá nhỏ, 3 hãng lớn là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways hiện chiếm tới 80%-90% thị phần. Riêng đường bay trục Hà Nội - TPHCM, 2 hãng Vietnam Airlines và Vietjet cũng đã chiếm quá nửa thị phần. Nếu cho rằng đường bay có trên 3 hãng là cạnh tranh và không cần giá trần thì không hợp với quy định tại Luật Quản lý giá và Luật Cạnh tranh.
Theo các chuyên gia, không quan trọng là bao nhiêu hãng tham gia khai thác đường bay mà cạnh tranh thực sự mới là yếu tố quan trọng. Nhiều nước họ chỉ có 2 hãng hàng không nhưng có cạnh tranh thực sự, hành khách vẫn được hưởng giá cả hợp lý. Còn với trường hợp các hãng hàng không đã bắt tay nhau để nâng giá thì vẫn là một dạng độc quyền mà thôi.
Vé máy bay cao khó cho lữ hành
Hiện khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản ban hành từ năm 2015, áp dụng cho 5 nhóm đường bay, với mức giá 1,6 - 3,75 triệu đồng/vé/chiều tùy cự ly, chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác. Mới đây, để bù giá vé giảm mạnh trong bối cảnh dịch bệnh, người dân ít đi lại các hãng hàng không tiếp tục tăng phí quản lý hệ thống. Giờ tiếp tục lại đề xuất bỏ giá trần, nhiều doanh nghiệp lữ hành và người dân thêm lo ngại.
Ông Nguyễn Văn Thiện, giám đốc Hạ Long Travel cho biết, trong bối cảnh thị trường du lịch vẫn ảm đạm vì Covid chưa có dấu hiệu khởi sắc, việc tăng giá trần vé máy bay lượng khách du lịch bị ảnh hưởng ít nhiều, khi mà chi tiêu của người dân ngày càng thu hẹp lại vì khó khăn kinh tế. Một trong những lo ngại lớn nhất của khách hàng là vé máy bay có thể đắt hơn vào những dịp cao điểm như hè, ngày lễ, Tết nếu không còn khung giá tối đa - công cụ để bảo vệ người tiêu dùng.
Ông Thiện cho biết, vào dịp Tết Nguyên đán nhiều chặng bay nội địa đã có mức giá cao “ngất ngưởng” lên tới 7- 8 triệu đồng/cặp. Đối với chặng bay Hà Nội - TP. HCM hay các chặng bay khác như Cần Thơ, Nha Trang ra các tỉnh phía Bắc vào dịp Tết, giá tăng cao là một điều rất khó khăn cho những người lao động xa nhà.
Bà Nguyễn Thúy Nga, Giám đốc Nam Thanh Travel, doanh nghiệp lữ hành kiêm đại lý vé máy bay cho biết, khi có quy định giá trần, khứ hồi các chặng dịp hè, Tết, ngày nghỉ lễ cao điểm vốn đã khan hiếm và giá tăng cao tới gần chục triệu đồng/cặp. Giờ không có giá trần, các hãng hàng không tha hồ tăng giá bù cho những mùa thấp điểm. Nếu tăng cả phí quản trị nữa thì kéo theo giá vé càng tăng.
Trong lúc kinh tế khó khăn, nhu cầu du lịch của người dân đã giảm đi nhiều. Nếu giá tour tăng cao thì phát triển du lịch lại càng khó khăn hơn. Lượng khách sẽ giảm đi khá nhiều. Điều này, trái ngược với những gì mà ngành du lịch đang cố gắng trong nỗ lực kích cầu nội địa. Và việc tăng giá trần vé máy bay chắc chắn ít nhiều ảnh hưởng đến giá tour mà các doanh nghiệp đang bán ra, nếu trường hợp tour đi máy bay.
Hiện giá vé máy bay sẽ chiếm từ 30 - 70% giá của một tour du lịch. Nếu tour dịp lễ Tết, giá vé máy bay cao thì giá tour cũng bị lên cao, lượng khách du lịch sẽ giảm. Hơn nữa, chi phí đi lại cũng được tính trong cơ cấu giá thành sản xuất. Giá vé máy bay tăng cũng ít nhiều ảnh hưởng tăng giá dịch vụ vận tải và các chi phí đầu vào liên quan. Gần đây, nhiều mặt hàng sắt thép, xăng dầu, điện nước, học phí... đã tăng, giờ lại thêm vé máy bay tăng sẽ gây thêm áp lực lạm phát cho nền kinh tế.