Theo đó, Bộ GD&ĐT nhìn nhận, ngoài những nỗ lực toàn ngành, vẫn còn những biểu hiện tiêu cực và bệnh thành tích như: thiếu trung thực trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thi và kiểm tra đánh giá xếp loại; nể nang, thiếu dân chủ trong bình chọn, xếp loại thi đua, khen thưởng.
Hay cào bằng, dễ dãi trong suy tôn; che dấu hạn chế, yếu kém; áp đặt chỉ tiêu quá cao so với khả năng thực tế; tổ chức trao thưởng phô trương, hình thức, lãng phí làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, uy tín và sự công bằng trong ngành.
Do đó, Bộ yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, từng bước khắc phục bệnh thành tích.
Cụ thể, rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy định, yêu cầu dễ dẫn tới bệnh thành tích trong giáo dục.
Không tổ chức các hoạt động giáo dục trái quy định, gây áp lực cho người dạy, người học và cha mẹ học sinh. Không lấy kết quả của các kỳ thi, các hoạt động giao lưu do địa phương tổ chức để đánh giá xếp loại thi đua, xét khen thưởng đối với các cá nhân, đơn vị.
Thực hiện tốt kỷ cương, nền nếp, quy chế dân chủ ở cơ sở giáo dục; đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục.
Xây dựng và công bố công khai các tiêu chí thi đua cụ thể, có cơ sở khoa học, minh chứng rõ ràng, phù hợp với thực tế, đặc thù của từng địa phương, đơn vị. Thành tích của đơn vị, cá nhân được đánh giá bằng sự tiến bộ của chính đơn vị, cá nhân đó.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục là việc làm thường xuyên, không phô trương, hình thức và là giải pháp quan trọng để tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Bộ cũng yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành nghiêm túc triển khai thực hiện, định kỳ hàng quý, kết thúc học kỳ 1 và năm học báo cáo kết quả thực hiện về Bộ để kịp thời chỉ đạo.
Hồng Anh (tổng hợp)