Độ khó đề thi đợt 2 tương đồng đợt 1, đặt quyền lợi thí sinh cao nhất
Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ tổ chức vào thời điểm nào, trong hoàn cảnh tổ chức quá muộn so với đợt 1 thì quyền lợi của thí sinh trong việc xét tuyển đại học sẽ được đảm bảo ra sao … là mối quan tâm của nhiều thí sinh.
Tại buổi họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, mục tiêu kép của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 là vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh, vừa nghiêm túc, khách quan, công bằng. |
Liên quan đến vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, bắt đầu từ ngày 9/7, các hội đồng thi các tỉnh tập trung chấm thi.
Cùng với đó, sẽ nắm bắt tình hình dịch bệnh, số lượng thí sinh và nguyện vọng tâm tư của thí sinh, từ đó sẽ đề xuất lên Bộ GD&ĐT để quyết định thời gian tổ chức kỳ thi đợt 2.
Chủ trương chung là đợt 2 phải đảm bảo nghiêm túc, an toàn, thuận lợi cho thí sinh. Cách tổ chức đợt 2 sẽ kế thừa những kinh nghiệm từ năm ngoái. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với ngành y tế để thống nhất thời gian tổ chức.
Ông Trinh khẳng định, quan điểm của Bộ GD&ĐT là thi đợt 2 phải đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh, thông qua việc xây dựng đề thi có độ khó tương đồng với đề thi đợt thi thứ nhất. Các trường đại học cũng sẽ điều chỉnh tuyển sinh để đảm bảo công bằng cho thí sinh thi đợt 2.
Đối với những thí sinh là F0, đang thi dở đợt 1, các em có quyền đặc cách tốt nghiệp. Trong trường hợp các em muốn thi để xét tuyển đại học thì môn nào thi xong sẽ được Bộ cho bảo lưu kết quả. Khi tham gia thi đợt 2, các em sẽ thi nốt những môn chưa thi còn lại.
Về phản ánh một số môn thi có sự chênh nhau về độ khó, từ đó, có thể gây thiệt thòi cho thí sinh khi xét tuyển tổ hợp, ông Trinh cho biết, việc “khó” hay “dễ” là nhận định mang tính chủ quan.
Thực tế, đề thi được xây dựng theo “ma trận”, phân bố độ khó dễ các câu trên cơ sở khoa học, nên không có đề hoàn toàn khó hay dễ.
Chuẩn bị phương án tuyển sinh nếu đợt thi thứ 2 lùi quá xa đợt 1
Niềm vui của các thí sinh sau khi kết thúc môn thi cuối cùng chiều 8/7. |
Trả lời về vấn đề tuyển sinh đối với các học sinh F0, F1, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết: Với các em F0, theo quy chế, các em đã được đặc cách tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên vì không tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, không có điểm, nên các em không thể tham gia xét tuyển đại học bằng phương thức sử dụng kết quả kỳ thi này.
Vậy giải pháp cho trường hợp này là tại đợt thi tốt nghiệp THPT đợt 2, nếu các em F0 có nguyện vọng tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT thì vẫn được tham gia để có điểm xét tuyển. Trong trường hợp xấu nhất không tham dự kỳ thi này được thì vẫn còn nhiều phương thức xét tuyển đại học như: xét học bạ, dùng chứng chỉ quốc tế, kỳ thi đánh giá năng lực… Cơ hội còn rất nhiều bởi chỉ tiêu dành cho các phương thức xét tuyển này chiếm tới 45% tổng chỉ tiêu.
Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn các trường đại học thống nhất chờ thi xong đợt 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì mới xét tuyển chung một lần để đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.
Trong trường hợp đợt thi thứ 2 cách quá xa đợt thi thứ nhất, thì cũng vẫn còn quỹ thời gian dự trữ, thí sinh cứ yên tâm ôn thi. Trong trường hợp bất khả kháng, việc thi ảnh hưởng tới kế hoạch năm học, lịch tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cùng các trường trao đổi để kịp thời đưa ra phương án tốt nhất cho các em.
Thừa nhận có lọt đề Toán nhưng không phải lộ đề
Liên quan tới vụ việc thí sinh dùng điện thoại chụp đề thi sau đó tung lên mạng nhờ cầu cứu, ông Trinh cho biết, cần phải khẳng định không phải lộ đề mà là nghi vấn lọt đề. Lộ đề là khi chưa bóc đề làm bài. Còn lọt đề là trong tình huống đã bóc đề làm bài rồi.
Sự việc xảy ra tại hội đồng thi Trường THPT Lệ Thuỷ (Quảng Bình). Cơ quan chức năng đã xác định được thí sinh này vi phạm quy chế thi bằng cách mang điện thoại di động vào phòng thi. Thí sinh vi phạm này đương nhiên bị hủy kết quả thi.
Về việc sẽ xử lý ra sao đối với cán bộ phòng thi cũng như điểm thi để xảy ra vi phạm, ông Trinh cho biết, ngay khi sự việc xảy ra, cán bộ coi thi đã được yêu cầu viết tường trình, không được làm công tác coi thi ở những môn thi tiếp theo. Việc xử lý cụ thể ra sao phải căn cứ vào kết quả xác minh.
Mong muốn của Bộ GD&ĐT là tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc cho tất cả các thí sinh dự thi. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau trong bối cảnh dịch bệnh nên vẫn có sự cố. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh; căn cứ vào mức độ vi phạm để có phương án xử lý phù hợp nhất.
18 thí sinh vi phạm Quy chế thi
Theo báo cáo từ Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là 1.021.340; trong đó, có 39.920 thí sinh tự do (chiếm tỷ lệ 3.91%).
Số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT là 222.297 (chiếm tỷ lệ 21,77%). 35.779 thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển sinh (chiếm tỷ lệ 3,51%). 763.244 thí sinh dự thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh (chiếm tỷ lệ 74.73%).
Số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Tự nhiên là 358.788 (chiếm 35.13%); số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Xã hội là 655.620 (chiếm 64.19%).
Tổng số Điểm thi là 2233; tổng số phòng thi: 43.139. Các Điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.
Tổng số thí sinh dự thi: 981.773 đạt tỷ lệ 96,13% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, môn Ngữ văn: 97,10%; Toán: 97,18%; Ngoại ngữ: 97.2%; Vật Lí: 96,98%; Sinh học: 97,07%; Hóa học: 97.11%; Lịch sử: 97,24%; Địa lý: 97,29%; Giáo dục Công dân: 97,23%.
Tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không thể dự thi là 23.569 chiếm tỷ lệ 2.31%.
Có 18 thí sinh vi phạm Quy chế thi và bị đình chỉ thi. Không có cán bộ vi phạm Quy chế thi.