Phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mới được thăng hạng
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ra một chùm thông tư liên quan đến quy định về tiêu chuẩn, chức danh giáo viên các cấp từ mầm non đến phổ thông khiến nhiều giáo viên hoang mang, lo lắng với nhiều câu hỏi liên quan đến việc bổ nhiệm, thăng hạng giáo viên.
Phản ánh tới Báo KH&ĐS, nhiều ý kiến cho rằng, việc đi học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đã khiến các giáo viên tốn kém cả về thời gian và tiền bạc. Đặc biệt, những giáo viên THCS hạng I có nguy cơ rớt xuống hạng II chỉ vì họ không là thạc sĩ. Như vậy, để giữ hạng, họ lại phải buộc đi học thạc sĩ.
Công văn cũng gây ra tình trạng, nhiều giáo viên đổ xô đi học các chứng chỉ, có thể là “miếng mồi” cho những kẻ trục lợi.
Trả lời báo chí về vấn đề này, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngành giáo dục.quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (TCCDNN) tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (trước đây) và các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT (thay thế các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) thực hiện theo quy định tại Luật Viên chức 2010 và Nghị định số 101 của Chính phủ.
Tuy nhiên, đây là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, chứ không phải quy định riêng với ngành giáo dục.
Cụ thể, Luật Viên chức 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó (điểm b khoản 1 Điều 31) và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo TCCDNN trước khi bổ nhiệm hạng (điểm b khoản 3 Điều 33).
Còn Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức: quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo TCCDNN viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo TCCDNN cao hơn liền kề (điểm a khoản 3 Điều 26).
Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, mà không riêng gì ngành giáo dục.
Theo đó, quy định giáo viên mầm non, phổ thông công lập có chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN trong các Thông tư quy định TCCDNN giáo viên mầm non, phổ thông trước đây và hiện tại (Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT mới đây) bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; bảo đảm tính thống nhất trong quy định về quản lý viên chức.
Không nên gây áp lực cho giáo viên từ những tiêu chuẩn không cần thiết
Đại biểu Quốc hội Phạm Minh Hiền. |
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS liên quan đến chùm công văn về bổ nhiệm, thăng hạng giáo viên, đại biểu Phạm Minh Hiền, đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết, thời gian này, bà đã nhận được rất nhiều ý kiến của giáo viên liên quan đến quy định về chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn theo chức danh nghề nghiệp của giáo viên. Trong đó, có rất nhiều ý kiến phản ánh về những bất cập trong phân hạng giáo viên THCS được quy định ở thông tư 03,
Theo bà Hiền, quy định rằng giáo viên hạng I sẽ phải có bằng thạc sĩ, nếu không sẽ bị rớt xuống hạng II là một quy định gây tốn kém rất lớn. Bởi như vậy khác nào phủ nhận kết quả của kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên THCS (chưa có bằng thạc sĩ) từ hạng II lên hạng I do chính Bộ tổ chức vào năm 2018.
Tất nhiên, để đảm bảo được chất lượng giảng dạy, người giáo viên phải học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết của nhà giáo. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn đặt ra cho giáo viên cũng phải xuất phát từ thực tiễn, cần chú trọng tới năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn của giáo viên, chứ không phải là những quy định nặng về bằng cấp. Có những tiêu chuẩn không cần thiết thì không nên gây áp lực cho giáo viên.
Và một điều đáng nói, là những chương trình đào tạo, bồi dưỡng có đúng là nâng cao kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn cho giáo viên hay không, hay chỉ có giá trị trang bị chứng chỉ chức danh nghề nghiệp? Từ đó, chỉ làm lợi cho những cơ sở có chức năng đào tạo, bồi dưỡng những chứng chỉ này.
Theo bà Hiền, trong một nhóm chính sách đưa ra thì không thể nào đảm bảo nhu cầu hoặc làm hài lòng toàn bộ tất cả. “Tuy nhiên, hiện tại dư luận và giáo viên đang có rất nhiều ý kiến, tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cần lắng nghe ý kiến của họ. Từ đó xem xét, chỗ nào chưa hợp lý thì tháo gỡ”, bà Hiền nói.
Bà Hiền cho biết, bà đang tiếp tục nghiên cứu, phân loại, tổng hợp các nhóm ý kiến để gửi kiến nghị đến Bộ GD&ĐT trong kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV sắp tới. Dự kiến sẽ kiến nghị Bộ GD&ĐT cần phải phân tích chính sách để điều chỉnh hoặc có hướng dẫn cụ thể hơn nữa, tránh tình trạng chính sách ban hành nhưng giáo viên vẫn “rối bời”.
Về việc có ý kiến cho rằng, trước khi ra thông tư, Bộ GD&ĐT đã có xin ý kiến rộng rãi giáo viên, nhưng vì giáo viên không “để ý” cho nên giờ Bộ ra văn bản mới “nháo nhào”, đại biểu Phạm Minh Hiền cho biết, nhiều giáo viên nói với bà, họ đã gởi kiến nghị đến Bộ khi thông tư còn đang dự thảo. Tuy nhiên, các ý kiến đó đã không được ghi nhận. Đó là lý do vì sao khi thông tư vừa ban hành đã nhận nhiều phản ứng trái chiều như vậy.