<div> <div> <div> <p>Theo Bộ Công Thương, cơ quan này đang tiến hành thanh tra toàn diện các hoạt hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại VEAM kể từ năm 2010 đến nay.</p> <p>Trong quá trình thực hiện thanh tra, Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ về sai phạm phát hiện trong quá trình thanh tra tại VEAM sang Bộ Công an. Bộ Công an đang thụ lý vụ việc và xử lý theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.</p> <p>Về những sai phạm tại VEAM, Bộ Công Thương cũng đề nghị, trước khi có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng, đề nghị các cơ quan thông tấn không đăng tải các nội dung liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh, công tác cán bộ,… của VEAM để tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động thanh tra, điều tra của cơ quan chức năng và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, quan hệ đối tác của VEAM.</p> <p>Những lùm xùm về quản lý, điều hành VEAM đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Mới đây nhất, ngày 29/3/2019, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VEAM, ông Bùi Quang Chuyện đã ký Nghị quyết về việc bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà- thành viên HĐQT VEAM.</p> <p>Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương về việc bãi nhiệm chức danh Tổng Giám đốc VEAM đối với ông Trần Ngọc Hà, HĐQT VEAM đánh giá, ông Trần Ngọc Hà với vai trò là Tổng Giám đốc đã vi phạm các quy định về quản lý tài chính và điều lệ của doanh nghiệp này.</p> <p>Quyết định được đưa ra sau cuộc họp của phụ trách bộ phận đại diện vốn nhà nước tại VEAM và triển khai các nội dung tại Văn bản số 231 của bộ Công Thương về công tác cán bộ. Sau khi phân tích những tồn tại, thiếu sót trong việc kinh doanh thương mại và tiền gửi năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018; kinh doanh nhập khẩu 1.500 bộ linh kiện ô tô Changan (Trung Quốc); việc mua 3.000 bộ linh kiện xe Hyundai của Tập đoàn Thành Công để sản xuất, lắp ráp năm 2017; nhập khẩu, kinh doanh 2.010 bộ linh kiện xe Hyundai 72, Hội đồng quản trị VEAM đã quyết định (bằng hình thức bỏ phiếu) bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc VEAM đối với ông Trần Ngọc Hà. </p> <p>Theo báo cáo, về kinh doanh thương mại, 6 tháng đầu năm 2018 VEAM lỗ 8,2 tỉ đồng. Chủ yếu là chi phí tài chính của số tiền 399,6 tỉ đồng văn phòng VEAM mua vật tư linh kiện bán cho Nhà máy ô tô VEAM. Hiện VEAM vẫn chưa thu hồi được số tiền hơn 359 tỉ đồng từ việc kinh doanh này,</p> <p>Liên quan đến việc kinh doanh, nhập khẩu 1.500 bộ linh kiện ô tô Changan, ông Trần Ngọc Hà đã ký hợp đồng cầm cố giấy tờ giá do Sacombank phát hành để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho Chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto với số tiền 136,72 tỉ đồng khi chưa được sự phê chuẩn của Hội đồng quản trị VEAM.</p> <p>Ông Trần Ngọc Hà cũng đã đồng ý để Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM mua 3000 bộ linh kiện của TCG để lắp 3000 xe ô tô Hyundai trong năm 2017 khi không có kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017, không có phương án kinh doanh số ô tô này. Điều này dẫn đến tồn kho cuối năm 2017 cao (5588 xe), gấp hơn 2 lần so với kế hoạch tồn kho giao. </p> <p>Ngoài ra, Hội đồng quản trị của VEAM còn chỉ ra những sai phạm của ông Trần Ngọc Hà liên quan đến việc kinh doanh, nhập khẩu 2.010 bộ linh kiện xe ô tô Hyundai 72. </p> <p>Ngoài những vấn đề về quản lý, những tranh chấp về mặt nhân sự và cán bộ của VEAM trong thời gian qua cũng khá phức tạp. Trước đó, ông Ngô Văn Tuyển, người được bổ nhiệm giữ quyền Tổng giám đốc VEAM cũng bị tố cáo đã có một số vi phạm như bổ nhiệm nhân sự trái nghị quyết Đảng ủy và ra nước ngoài khi chưa được phép của Bộ Công Thương.</p> <p>Theo đó, trong thời gian từ năm 2011-2013 ông Lâm Chí Quang, Tổng Giám đốc và ông Ngô Văn Tuyển, Phó Tổng Giám đốc của VEAM đã có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái các qui định của Pháp luật gây thất thoát của Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.</p> <p>Trong thời gian này, từ quan hệ với đối tác, nguồn tiền của VEAM chảy về từ các liên doanh như Honda Việt Nam, Toyota, Ford Việt Nam rất lớn. Sẵn tiền, với chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách chỉ đạo kinh doanh thương mại, ông Ngô Văn Tuyển đã tham mưu cho Tổng giám đốc lúc đó là ông Lâm Chí Quang chỉ đạo các đơn vị thành viên và trực tiếp thực hiện những thương vụ kinh doanh kỳ lạ.</p> <p>Theo đó, ông Tuyển đã chỉ đạo Vetranco với danh nghĩa phối hợp kinh doanh thương mại với phương thức dùng tiền của VEAM mua hàng trả ngay rồi bán chịu cho doanh nghiệp tư nhân trả chậm với lợi nhuận tính trên doanh thu và trên vốn sử dụng rất thấp chỉ khoảng 2% trên doanh thu và khoảng 10% trên vốn sử dụng, tương đương 2/3 lãi suất tiền gửi ngân hàng và tương đương 2/5 lãi suất nếu vay của ngân hàng. Thực chất đây là hình thức trá hình cho tư nhân vay tiền với lãi suất thấp mà không có cơ chế đảm bảo, việc kinh doanh kiểu này kéo dài suốt từ 2011-2013. Việc hạch toán lợi nhuận thấp như đã nêu, cũng vì hình thức cho vay tiền trá hình và không có cơ chế đảm bảo nên đã dẫn đến thất thoát của VEAM tại Vetranco hơn 250 tỷ đồng.</p> <p>Pham Tuyên</p> </div> </div> </div>