Bitexco đang đề xuất nhiều dự án năng lượng tái tạo tại Bình Thuận. |
Hai đề xuất điện mặt trời trong Hồ Cà Giây
Tại tỉnh Bình Thuận, ngoài đề xuất 2 nhà máy điện mặt trời với vị trí nằm trong lòng Hồ Cà Giây tại xã An Bình, huyện Bắc Bình, hiện nay Công ty CP Năng lượng Bitexco (Bitexco Power) còn đang đề xuất khảo sát, lập hồ sơ đầu tư 2 dự án nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.3 và điện gió Tiến Thành 2. Hai đề xuất dự án này nằm gọn trong khu vực quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia quặng titan.
Ngày 3/7/2020, UBND huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã đồng loạt ban hành 2 văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị sở cho ý kiến vào việc đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời trên Hồ Cà Giây và dự án Nhà máy điện mặt trời hạ du Hồ Cà Giây của Công ty CP Năng lượng Bitexco.
Với Nhà máy điện mặt trời trên Hồ Cà Giây, dự kiến có diện tích đất sử dụng dự kiến 156ha (diện tích mặt nước 150ha nằm trong Hồ Cà Giây, diện tích mặt đất 06ha), công suất 150MW, tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng.
UBND huyện Bắc Bình cho biết, phần vị trí diện tích 150ha là mặt nước Hồ Cà Giây, do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý. Còn vị trí 6ha là đất chưa sử dụng do UBND xã Bình An quản lý.
Qua khảo sát, UBND huyện Bắc Bình thống nhất chủ trương thu hút đầu tư dự án. Tuy nhiên, cũng đề nghị chủ đầu tư đánh giá tác động môi trường để đảm bảo khi triển khai thực hiện dự án không gây ô nhiễm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Với dự án Nhà máy điện mặt trời hạ du Hồ Cà Giây, có diện tích khoảng 55ha, cũng thuộc khu vực Hồ Cà Giây, công suất dự kiến 50MW, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.
UBND huyện Bắc Bình cho biết, vị trí khu đất đăng ký đầu tư dự án điện mặt trời này đã được UBND tỉnh Bình Thuận cho Công ty CP Bình An thuê đất để thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản nước ngọt. UBND huyện Bắc Bình cũng không thống nhất đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời hạ du Hồ Cà Giây của Công ty CP Năng lượng Bitexco. Với lý do hiện nay Công ty CP Bình An đang xin chuyển đổi mục tiêu dự án sang đầu tư dự án điện mặt trời.
Ngoài ra, cập nhật tới thời điểm UBND huyện Bắc Bình cho ý kiến về 2 dự án điện mặt trời này (ngày 3/7/2020), vị trí khu đất đăng ký đầu tư 2 dự án này đều chưa được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Thuận.
Thủy điện là một thế mạnh của Tập đoàn Bitexco. |
Nhiều lĩnh vực “khủng”
Tìm hiểu cho thấy, Công ty CP Năng lượng Bitexco (Bitexco Power) được thành lập vào tháng 4/2007, hiện do ông Vũ Quang Hội (SN 1963) làm Chủ tịch HĐQT, đặt trụ sở tại tòa nhà The Manor, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Bitexco Power có các cổ đông sáng lập là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, Công ty CP Vital, Công ty CP Da giầy Việt Nam, Công ty CP Minh Tiến. Tại thời điểm tháng 9/2014, Bitexco Power có vốn điều lệ 631,81 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco nắm giữ 75% cổ phần. Tập đoàn Bitexco thực chất là doanh nghiệp tư nhân thuộc sở hữu của 2 anh em ông Vũ Quang Hội và Vũ Quang Bảo.
Với Bitexco Power, tới lần đăng ký thay đổi ngày 15/2/2017 đã nâng vốn điều lệ lên 2.044,644 tỷ đồng, mệnh giá mỗi cổ phần 10.000đ và đã có sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể là có sự tham gia của Quỹ đầu tư (Hoa Kỳ) III L.P.Trung Quốc Đông Nam Á, Quỹ Đầu tư III L.P. Trung Quốc Đông Nam Á (ASEAN CHINA INVESTMENT FUND III L.P) đều do cá nhân Seah Kian Wee đại diện phần vốn góp theo uỷ quyền và Tập đoàn ORIX do cá nhân Yuichi Nishigori đại diện uỷ quyền.
Tuy rằng thời điểm này hầu hết các cổ đông sáng lập cũ đều đã thoái vốn hết tại Bitexco Power, kể cả Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, nhưng vai trò đại diện theo pháp luật, Chủ tịch HĐQT Bitexco Power vẫn thuộc về ông Vũ Quang Hội.
Còn Công ty CP Vital sở hữu thương hiệu nước khoáng Vital lâu đời, thành lập từ năm 2006 cũng đặt trụ sở tại Toà nhà The Manor, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay đã đổi tên thành Công ty CP BB Vital Holdings, do người anh em của ông Vũ Quang Hội là ông Vũ Quang Bảo làm Chủ tịch HĐQT.
Tìm hiểu cho thấy, Bitexco là một tập đoàn đa ngành với các dự án kinh doanh trải rộng trong nhiều lĩnh vực như bất động sản; sản xuất, đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng giao thông; đầu tư tài chính; đầu tư khai thác khoáng sản.
Trong số này, thuỷ điện cũng là một thế mạnh của Tập đoàn Bitexco. Theo giới thiệu tại Bitexco.com.vn thì tập đoàn này hiện là doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực này với 21 nhà máy thủy điện, tổng kinh phí đầu tư lên đến gần 1 tỷ USD. Trong số đó đã có 18 nhà máy hoàn thành và đưa vào vận hành phát điện với tổng công suất xấp xỉ 1.000MW/năm. Đa số các dự án thủy điện đều tọa lạc tại các địa bàn đặc biệt khó khăn và góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho các địa phương.
Như vậy, với động thái gần đây liên tục đề xuất thêm 4 dự án năng lượng tái tạo (2 dự án nhà máy điện mặt trời, 2 dự án nhà máy điện gió) tại tỉnh Bình Thuận cho thấy tham vọng của Bitexco không chỉ dừng lại ở thuỷ điện mà bắt đầu hướng sang mảng năng lượng tái tạo.
Đây cũng là lĩnh vực mà nhiều nhà đầu tư đang ồ ạt đầu tư tại nhiều địa phương trên cả nước. Thực tế, tời gian vừa qua, sự phát triển nhanh với quy mô công suất lớn của các nguồn điện năng lượng tái tạo đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ, quá tải lưới điện truyền tải liên kết miền và hệ thống điện dư thừa công suất phát so với nhu cầu phụ tải trong một số thời điểm, tình huống cụ thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh hệ thống điện.
Chính vì vậy, tháng 3/2021 Bộ Công Thương có văn bản cho biết, trước tình trạng này buộc phải cắt giảm các nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo giữ tần số hệ thống điện trong giới hạn kỹ thuật cho phép, tránh sụp đổ hệ thống điện, gây tổn thất nghiêm trọng tới toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh tế và đời sống nhân dân trên cả nước.