Bình Thuận là tỉnh có danh mục tài nguyên khoáng sản phong phú, trong đó khoáng sản titan có trữ lượng lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, nhiều điểm mỏ đã làm phát sinh bụi, ảnh hưởng đến chất lượng không khí xung quanh và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Để kiểm soát được chất lượng không khí, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Sở TN&MT tổ chức quan trắc môi trường không khí đảm bảo tần suất và vị trí theo mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt. Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ kết quả quan trắc tự động các nguồn khí thải có lưu lượng lớn; kịp thời tham mưu, xử lý các cơ sở thải khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; triển khai các giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng kiểm soát chặt chẽ bụi, khí thải nói riêng, các nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao nói chung từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu vực khai thác khoáng sản, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí tại địa phương, trong đó, tập trung vào tăng cường năng lực quản lý môi trường các cấp, nhất là tập trung vào cấp quận, huyện, xã, phường. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân và doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, cũng như trong hoạt động khai thác.