Miễn cưỡng giảm
Cho tới thời điểm 30/4, giá thịt lợn hơi đã dừng lại đà tăng, nhưng vẫn đứng ở mức cao. Cụ thể, giá lợn hơi dao động trong ngưỡng từ 80.000 – 84.000đ/kg. Trên thị trường, giá thịt lợn thương phẩm dao động trong quãng từ 150.000 – 300.000đ/kg, tùy theo loại thịt.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ rất nhiều lần yêu cầu áp dụng các biện pháp cả quản lý, cả thị trường để hạ giá thịt lợn hơi về ngưỡng 60.000đ/kg. Nhưng giá lợn không giảm, mà lại còn tăng. Sốt ruột trước giá lợn hơi, người đứng đầu Chính phủ thậm chí còn yêu cầu tiến hành kiểm tra và xử phạt những cơ sở nào “không chịu” bán lợn hơi theo giá yêu cầu…
Sau rất nhiều sức ép, yêu cầu của Thủ tướng, cũng có một số nỗ lực được thực hiện để cho ra kết quả hạ giá thịt lợn. Chẳng hạn, đầu tháng 4/2020, giữa lúc dịch Covid-19 tiếp diễn và giá thịt lợn vẫn "nhảy múa" ở ngoài chợ dân sinh, một vài hệ thống siêu thị đã triển khai bán thịt lợn với giá giảm từ 3 - 15%, cao nhất lên tới 25% so với giá ngoài chợ, đưa giá mặt hàng này tại siêu thị về mức từ 130.000 – 170.000đ/kg tùy loại.
Các siêu thị đã hạ giá bán lẻ thịt lợn có thể nêu tên là BigC, Saigon Co.op, VinMart, Vissan…
Có hai điểm đáng chú ý từ chương trình giảm giá thịt lợn bán lẻ này của các doanh nghiệp. Thứ nhất, đây bản chất là chương trình khuyến mại bằng giảm giá thịt lợn, theo lời kêu gọi của Thủ tướng. Có nghĩa là giá lợn hơi không giảm, mà doanh nghiệp vẫn phải mua vào với giá cao, sau đó bán dưới giá mua, với danh nghĩa giảm giá để khuyến mại. Tức là về bản chất giá lợn hơi vẫn không giảm. Còn doanh nghiệp đã chịu mất hàng chục tỷ đồng để bán thịt dưới giá thành, theo yêu cầu của Thủ tướng.
Thứ hai, nhờ nỗ lực ấy của các doanh nghiệp, lần đầu tiên trong lịch sử, giá thịt lợn bán lẻ tại siêu thị rẻ hơn giá thịt ngoài chợ. Nhưng là rẻ hơn nhờ tiền túi của doanh nghiệp chịu lỗ. Tất nhiên sau đó, trên thị trường, giá thịt lợn bán lẻ lại… tăng đều. Hiện cũng chưa thấy cá nhân, tổ chức nào bị phạt (theo yêu cầu Thủ tướng) vì bán lợn hơi, thịt lợn thành phẩm giá cao.
Giá thịt lợn quá cao và cao kéo dài bất chấp chỉ đạo từ cấp cao nhất đã gây sự bức xúc từ công chúng. Lựa chọn tự nhiên của người tiêu dùng là dần hướng sang mặt hàng thịt lợn nhập khẩu có giá rẻ hơn giá thịt lợn nuôi trong nước.
Đồng thời, do giá thịt nuôi trong nước cao kéo dài, nhiều doanh nghiệp đã kịp nhập khẩu thịt lợn ngoại về để bán lẻ. Từ đó tạo được nguồn cung bổ sung và nguồn cạnh tranh về giá với thịt lợn nuôi trong nước. Đây có thể là lý do chủ chốt làm giá thịt lợn – loại thịt chiếm tới 70% cơ cấu thực phẩm từ thịt của người Việt - không tiếp tục tăng. Nói cách khác, có thể nguyên nhân giá thịt đã giảm mà không liên quan tới yêu cầu có phần gay gắt, bắt buộc của Thủ tướng.
Điều này cũng khá tương ứng với dự kiến trước đó của Bộ NN&PTNT. Theo đó, nếu việc đẩy mạnh tái đàn lợn trong dân thành công, việc nuôi thuận lợi, không gặp dịch, tới quý 2/2020 cung cầu thịt lợn có thể được đảm bảo. Tức là giá thịt lợn sẽ được ổn định…
Ai “ổn định” được thị trường?
Trong một cuộc làm việc đầu tháng 2/2020 với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về giá thịt lợn, đại diện doanh nghiệp hàng tiêu dùng thiết yếu hàng đầu Việt Nam nêu quan điểm, giảm chi phí khâu trung gian (trong kinh doanh thịt lợn) không phải là việc làm của riêng một doanh nghiệp, mà cần có sự tham gia, phối hợp của nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Tức là, trong hình dung của doanh nghiệp này, giải quyết được vấn đề giá thịt lợn là nhiệm vụ của các doanh nghiệp, không phải là chuyện phụ thuộc vào các hộ chăn nuôi.
Quan điểm này, sau đó, được doanh nghiệp giải thích bằng 4 kiến nghị cụ thể. Đó là Chính phủ, Bộ NN&PTNT có định hướng để các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như CP, Dabaco, De Heus, Japfa… cùng ngồi lại bàn phương án hợp tác, phối hợp trong chuỗi cung ứng, giải quyết đồng bộ từ nguồn cung, khâu giết mổ đến đưa sản phẩm ra thị trường. Tiến tới giảm thiểu các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán…
Thứ hai, quy hoạch và hình thành một vùng để các doanh nghiệp cùng nhau tập hợp cùng đầu tư, gây giống, phát triển đàn lợn ở Việt Nam, nhất là giống lợn quý, tốt. Doanh nghiệp nhấn mạnh đây là chìa khóa phát triển bền vững và bình ổn thị trường thịt lợn trong nước.
Thứ ba, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng toàn cầu, nhiều quốc gia đã ban hành các lệnh cấm xuất khẩu lương thực. Chính phủ (chứ không phải doanh nghiệp) nhanh chóng “ký Hợp đồng thương mại với Mỹ” để nhập khẩu nguồn nguyên vật liệu thức ăn chăn nuôi. Để ổn định giá thành nuôi lợn trong nước. Giá thức ăn chăn nuôi là vấn đề nhiều năm Việt Nam vẫn chưa thể ổn định, nếu không nói là giá thức ăn chăn nuôi luôn tăng, tác động tiêu cực tới giá lợn hơi trong nước.
Thứ tư, thực tế sản lượng đàn lợn Việt Nam không thể ngày một ngày hai là đủ (tức là giá thịt vẫn cao do khan hiếm nguồn cung trong một thời gian nữa). Do vậy, Chính phủ và Bộ NN&PTNT có định hướng chính sách gia tăng nguồn đạm động vật thay thế cho thịt lợn như thịt gà (trong đó là giống gà lông màu) hay cá. Theo thống kê, thị trường thịt lợn tại Việt Nam trị giá lên đến 10,2 tỷ USD mỗi năm và giá trị thị trường ngành đạm từ cá vào khoảng 5 tỷ USD.
Tức là, theo xác quyết của doanh nghiệp, bình ổn thị trường thịt lợn không cần là chiến lược lâu dài, cũng không cần Nhà nước can thiệp hành chính, hay ưu đãi về thuế, đóng góp. Mà, vấn đề thị trường thịt lợn là cần lựa chọn đúng giải pháp, đúng vấn đề gốc rễ. Thực tế là, chính Bộ NN&PTNT và doanh nghiệp xác nhận, thị trường thịt lợn sẽ bình ổn trở lại khi nguồn cung tăng lên. Điều đó đã diễn ra.
Nhưng chính vì thế, lại càng thấy sự sốt ruột của Thủ tướng trước khúc mắc của thị trường thịt lợn là không cần thiết. Nếu đó là vấn đề dễ giải quyết, tại sao các bộ quản lý cứ phải để Thủ tướng trực tiếp có yêu cầu? Và do thế, khi thị trường thịt lợn bình ổn trở lại, liệu có Bộ nào nhận thành tích không?