<div> <p>Đoàn người tuần hành hợp pháp ở thủ đô Nga hôm qua theo lời kêu gọi của Yulia Galyamina, ủy viên hội đồng thành phố Moskva, với danh nghĩa kỷ niệm cái chết của nhà báo Anastasia Baburova và luật sư Stanislav Markelov 11 năm trước.</p> <p>Galyamina và phe đối lập kỳ vọng cuộc tuần hành sẽ có quy mô tương đương các cuộc biểu tình mùa hè năm ngoái, vốn thu hút tới 60.000 người lúc đỉnh điểm. Họ cũng kêu gọi người tham gia phản đối đề xuất thay đổi hiến pháp được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra gần đây.</p> <p>Tuy nhiên, cuộc tuần hành hôm 19/1 có quy mô nhỏ hơn nhiều với chỉ khoảng 1.000 người tham gia. Thay vì phản đối kế hoạch sửa hiến pháp của Putin như kế hoạch ban đầu, đoàn người biểu tình chia thành nhiều nhóm đưa ra những yêu cầu chính trị khác nhau.</p> <p>Trong đoàn người tuần hành có các nhóm chống phát xít, nhiều nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, giới cánh tả và sinh viên. Nhóm biểu tình chống Putin chỉ chiếm phần nhỏ.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Yulia Galyamina (giữa), ủy viên hội đồng thành phố Moskva, và người biểu tình cầm bản sao hiến pháp Nga trong biểu tình phản đối Tổng thống Vladimir Putin ở thủ đô Moskva hôm 19/1. Ảnh: Reuters." src="https://khds.1cdn.vn/2020/01/12/nguoi-nga-bieu-tinh-1-9337-1579487359.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Yulia Galyamina (áo đỏ), ủy viên hội đồng thành phố Moskva, và người biểu tình cầm bản sao hiến pháp Nga trong biểu tình phản đối Tổng thống Vladimir Putin ở thủ đô Moskva hôm 19/1. Ảnh: <em>Reuters</em>.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Putin hôm 15/1 đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý về <span>sửa đổi hiến pháp</span> Nga để tăng quyền lực quốc hội và thắt chặt yêu cầu đối với ứng viên tổng thống. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cùng toàn bộ quan chức chính phủ <span>từ chức</span> hôm 15/1 nhằm tạo điều kiện cho Putin sửa hiến pháp.</p> <p>Putin sau đó chọn Mikhail Mishustin, lãnh đạo cơ quan thuế liên bang, vào ghế Thủ tướng. Hạ viện Nga hôm 16/1 phê chuẩn đề cử này của Tổng thống.</p> <p>Đề xuất sửa hiến pháp của Putin, 67 tuổi, được cho là giúp ông dọn đường cho tương lai, mở rộng phạm vi nắm quyền sau khi rời chức tổng thống năm 2024. Việc thay đổi hiến pháp có thể tạo ra trung tâm quyền lực mới ngoài tổng thống, khiến giới chỉ trích cho rằng Putin có thể đứng sau kiểm soát nền chính trị trong những năm sau này.</p> <p>Hãng thông tấn Nga TASS đưa tin giới chức Moskva đã cho phép một cuộc biểu tình tối đa 10.000 người diễn ra vào ngày 1/2 nhằm phản đối kế hoạch sửa hiến pháp của Putin. Hiện chưa rõ ai đứng ra tổ chức cuộc biểu tình này.</p> </div>