Biểu hiện ở sọ do loạn năng thái dương hàm

Ngoài những biểu hiện tại hàm, loạn năng thái dương hàm còn có những rối loạn ở sọ – cổ – mặt, gây đau đầu, đau tai, ù tai.
loạn năng thái dương hàm

Loạn năng thái dương hàm còn gây rối loạn ở sọ, cổ, mặt(Ảnh minh họa).

Loạn năng thái dương hàm có nguyên nhân chính là rối loạn khớp cắn, thường gặp ở người khỏe mạnh với những bất thường cắn khớp gây rối loạn sự thăng bằng và hoạt động chức năng của bộ máy nhai theo 3 cơ chế:

– Làm hàm dưới bị lệch sang bên khi khép hàm về tư thế lồng múi tối đa (tư thế lồng múi tối đa không trùng với khớp cắn ở tương quan trung tâm), do có điểm chạm sớm.

– Làm cho hàm dưới không thăng bằng ở tư thế lồng múi tối đa (do mất răng, hàn kênh hay do làm răng giả không đúng).

– Làm giảm biên độ hoạt động chức năng (cản trở nhai), do phản ứng tránh răng đau (viêm tủy, viêm quanh cuống, viêm quanh răng…) hay do cản trở cắn (mọc răng khôn, răng số 6 bị nhổ sớm làm cho làm răng số 7 bị lệch gần và răng đối diện thòng xuống).

Những bất thường cắn khớp thì rất có hại nhất là khi có sự mất cân xứng tư thế (hàm dưới bị lệch sang bên khi cắn lại) hay mất cân xứng chức năng (khi nhai, nói) của hàm dưới. Ngoài biểu hiện ở hàm, ở sọ, người bệnh thường thấy:

Đau đầu: đau đầu đơn thuần, Migran (đau nửa đầu), đau dây thần kinh mặt. Đau thường xuất phát từ cơ thái dương. Vì vậy, những đau cơ thái dương một hoặc hai bên đều phải nghĩ đến LNTDH nhất là khi nó xảy ra liên tục (1 lần/tuần) kết hợp với những rối loạn chức năng (nghiến răng).

Đau tai: Thường gây đau tai một bên, đôi khi đi kèm với những rối loạn khác. Đau tai, ù tai, cảm giác tai bị bịt kín nhưng khi khám tai thì không thấy các tổn thương thực thể. Đau tai gặp trong 15% trường hợp bị LNBMN có thể do bó sâu của cơ cắn, cơ ức đòn chũm, cơ chân bướm ngoài, cơ chân bướm trong, bó sau của cơ thái dương.

Khi bệnh nhân có cảm giác bị ù tai và bị bịt tai (đôi khi thay bằng tăng thính lực) thì ta phải chú ý, vì đôi khi cũng có thể có tổn thương tai giữa do cơ chân bướm ngoài và cơ căng màng nhĩ đều được vận động bởi dây thần kinh tam thoa, nên khi co thắt cơ chân bướm ngoài có thể dẫn đến co thắt cơ căng màng nhĩ.

PGS.TS Phạm Như Hải

(Nguyên Trưởng khoa răng, Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba)

Theo Đời sống
back to top