Biết sai lầm mà tránh khi bị bệnh trĩ

Trĩ là căn bệnh có tỷ lệ người mắc bệnh cao, nhưng số người bệnh tự giác đi khám để chữa bệnh triệt để lại rất ít. Trĩ dễ tái phát và gây biến chứng và khó điều trị dứt điểm nếu mắc phải các sai lầm sau.

Giấu bệnh và tự chữa

Khi có dấu hiệu táo bón, chảy máu hoặc sa lồi ở hậu môn, phần lớn bệnh nhân không chịu đi khám vì tâm lý e ngại bệnh khó nói. Chỉ đến khi cảm thấy đau rát và chảy máu nhiều, họ mới tìm thầy tìm thuốc. Không ít người còn chọn cách tự chữa bệnh bằng các bài thuốc truyền miệng chưa có căn cứ khoa học.

Nhầm lẫn với ung thư đại trực tràng, u hậu môn

Để phân biệt bệnh trĩ với ung thư đại trực tràng, người bệnh nên đi soi đại trực tràng tại các cơ sở chuyên khoa. Tương tự, để phân biệt giữa u hậu môn và trĩ hậu môn, bệnh nhân cũng cần được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám kỹ càng.

Đây là 2 bệnh khác hẳn nhau. Trĩ hậu môn bao gồm cả trĩ nội và trĩ ngoại đều do các búi tĩnh mạch vùng hậu môn giãn rộng và sa ra ngoài khi đi đại tiện, khi rặn hoặc búi trĩ nằm thường xuyên ở ngoài nếu là trĩ ngoại hoặc trĩ nội nặng. Lúc này búi trĩ sẽ giống như u.

Trong khi đó, u hậu môn là một quá trình tăng sinh bất thường của các tổ chức vùng hậu môn, nguyên nhân chưa biết. Có 2 loại u: u lành (không nguy hiểm) và u ác (ung thư).

Do đó, bệnh nhân nhất thiết cần đi khám hậu môn khi thấy có u, cục ở hậu môn.

Biết sai lầm mà tránh khi bị bệnh trĩ ảnh 1

Biết sai lầm mà tránh khi bị bệnh trĩ

Trẻ em không mắc trĩ

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng trẻ em không thể mắc trĩ nhưng sự thật không phải vậy. Trĩ chỉ hiếm gặp ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, phần lớn là giãn tĩnh mạch trực tràng (sa trực tràng) hoặc rách hậu môn, viêm nhiễm khuẩn hậu môn.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, cha mẹ không nên đợi tuổi con lớn để chữa trị. Không có tuổi nào chữa là tốt nhất cả, khi đã bị trĩ thì phải điều trị. Khi điều trị gặp đúng thầy đúng thuốc thì kết quả sẽ tốt nhất.

Bên cạnh đó, dùng chất xơ kéo dài với liều lượng cho phép không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Cha mẹ nên cho bé dùng những thức ăn nhuận tràng như rau lang, diếp cá, đủ đủ, chuối, rau đay, mồng tơi và uống nhiều nước…

Khi thấy trẻ đi ngoài chảy máu hoặc kêu đau, nên đưa bé đến các trung tâm tiêu hóa hoặc chuyên khoa hậu môn trực tràng để được nội soi, khám và chẩn đoán chính xác.

Trẻ nhỏ có bệnh trĩ rất khó chữa bởi những thuốc chữa trĩ rất khó uống. Vì vậy các bậc phụ huynh cần kiên trì.

Chữa bằng bài thuốc truyền miệng

Bệnh nhân trĩ thường truyền miệng nhau phương pháp chữa trị bằng lá thầu dầu tươi, cao hạt dẻ ngựa. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những kinh nghiệm dân gian, không có tác dụng trên toàn bộ bệnh nhân áp dụng.

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị kể cả nội khoa và ngoại khoa chi phí không quá cao mà vẫn khỏi được bệnh. Bởi vậy người bệnh không nên làm những phương pháp truyền miệng chưa có tài liệu nghiên cứu khoa học chứng minh để tránh bệnh biến chứng

Không thể chữa dứt điểm

Cho đến nay, tuy phẫu thuật không thể chữa dứt điểm tất cả các loại trĩ nhưng đa số bệnh nhân có thể loại bỏ các búi trĩ bằng phương pháp phẫu thuật. Hiện có rất nhiều phương pháp phẫu thuật trĩ như: phương pháp khâu treo triệt mạch dưới siêu âm, phương pháp longgo, phương pháp điều trị bằng laser...

Tuy nhiên phẫu thuật trĩ chỉ là một phần trong quá trình điều trị trĩ. Một việc rất quan trọng mà bệnh nhân thường bỏ qua là hồi phục chức năng hậu môn và làm bền hệ tĩnh mạch trĩ để tránh tái phát.

Sau phẫu thuật trĩ, người bệnh cần kết hợp ăn đủ dinh dưỡng, tăng chất xơ, giảm chất kích thích..

Điều trị trĩ phương pháp nào cũng có hạn chế nhất định tuỳ mức độ khác nhau, không có phương pháp nào tuyệt đối. Tùy từng phương pháp mà có tỷ lệ tái phát khác nhau. Việc tái phát bệnh là do từng bệnh nhân sau khi phẫu thuật xong có kiêng khem hoặc thực hiện theo hướng dẫn của thầy thuốc hay không.

ThS.BSCKI Nguyễn Khắc Hoàng (Trưởng đơn vị Trưởng Đơn vị Điện quang Can thiệp, Bệnh viện TƯQĐ 108)

Theo VietnamDaily
back to top