Biết cách để không khí bẩn không gây hại cho trẻ

(khoahocdoisong.vn) - Các nhà khoa học ghi nhận vào những ngày ô nhiễm không khí gia tăng, số trẻ nhập viện cũng tăng. Làm thế nào phát hiện trẻ bị bệnh do không khí bẩn, làm thế nào để lấy lại nhịp thở trong lành cho trẻ…

Trẻ nhập viện tăng khi ô nhiễm bụi tăng

Bà Nguyễn Anh Thư, cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương dưới tác động của ô nhiễm không khí. Lý do bởi trẻ em có tốc độ thở gấp đôi người lớn, đồng thời lượng chất gây ô nhiễm chúng hít vào cũng cao hơn tính theo mỗi đơn vị trọng lượng cơ thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra, việc trẻ thở nhanh gấp đôi sẽ khiến các hạt bụi mịn thấm vào phổi dễ hơn, sau đó đi vào máu và các cơ quan khác trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, gây kích ứng, viêm, dẫn đến các vấn đề hô hấp (viêm phổi, viêm cuống phổi, hen suyễn…).

Theo bà Nguyễn Anh Thư, do hạn chế về dữ liệu quan trắc không khí và theo dõi bệnh tật nên nước ta không có nhiều nghiên cứu riêng về tác động ô nhiễm không khí tới sức khỏe nói chung và trẻ em nói riêng. Tuy nhiên, có 2 nghiên cứu về ảnh hưởng ngắn hạn của nồng độ các chất ô nhiễm tới tình trạng nhập viện của người dân ở Hà Nội. Theo đó, số trẻ em nhập viện do các bệnh hô hấp tăng 2,2% khi nồng độ PM2,5 trong không khí cùng ngày tăng thêm mỗi 10μg/m3.

Một nghiên cứu mới đây của TS Nguyễn Thị Trang Nhung (Trường Đại học Y tế công cộng) và cộng sự cho giai đoạn 2016 - 2018 cũng chỉ ra mối liên quan: Nếu nồng độ PM2.5 trong trung bình 7 ngày tăng khoảng 39,4μg/m3 thì số ca trẻ em nhập viện vì viêm phổi tăng khoảng 5,3%. Tuy nhiên, nghiên cứu này không tìm được mối liên hệ có ý nghĩa giữa mức ô nhiễm bụi PM2.5 với số ca nhập viện do viêm phế quản hoặc hen suyễn. 

Hãy quan sát

Theo bà Nguyễn Anh Thư, việc phân biệt được trẻ bị bệnh do ô nhiễm không khí hay các tác nhân khác là điều không dễ. Tuy nhiên, phụ huynh có thể nhận biết được sự ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với trẻ thông qua việc quan sát. Theo đó, đối với những ngày có chỉ số chất lượng không khí ở mức cao có hại cho sức khỏe thì trẻ có những biểu hiện gì, những triệu chứng này có lặp đi lặp lại đối với những ngày ô nhiễm hay không.

Ngoài ra, cần phải chủ động hành động để bảo vệ hệ hô hấp cho trẻ. 

Đầu tiên hãy tập cho trẻ em thói quen đeo khẩu trang khi ở ngoài trời, khi tham gia giao thông trong những ngày chỉ số chất lượng không khí ở mức không tốt cho sức khỏe. Hãy nhớ khẩu trang vải, khẩu trang y tế thông thường hay các loại khăn quàng đều không có khả năng lọc được bụi mịn. Hãy trang bị cho trẻ khẩu trang N95 hoặc P100 để ngăn chặn bụi mịn.

Nếu có điều kiện hãy lắp đặt máy lọc không khí trong nhà. Máy lọc không khí có thể loại bỏ các hạt ô nhiễm là loại máy sử dụng bộ lọc cơ khí hiệu suất cao và chất tẩy rửa không khí điện tử, chẳng hạn như lọc bụi tĩnh điện. Tránh sử dụng thiết bị làm sạch không khí hoạt động bằng cách tạo ra ozone, điều này thậm chí còn làm tăng mức độ ô nhiễm. 

Ngoài ra, khi ở trong nhà có nguy cơ bị ô nhiễm hoặc đang bị ô nhiễm không khí, các bậc phụ huynh hãy tránh những hoạt động mạnh khiến thở sâu, thở gấp. Thay vào đó hãy khuyến khích trẻ những hoạt động nhẹ ví dụ như đọc sách, chơi các loại trò chơi ít hoạt động mạnh... 

Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe của trẻ:

- Phổi của trẻ vẫn đang phát triển trong những năm đầu đời. Ô nhiễm không khí có thể ngăn cản tiến trình phát triển sinh học của phổi.

- Các chất độc tổn hại thần kinh tồn tại trong không khí ô nhiễm có thể tác động đến não bộ chưa hoàn thiện và gây ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức của trẻ. 

- Ngoài ra, cơ thể của trẻ gặp khó khăn hơn trong việc chuyển hóa, giải độc và bài tiết các chất độc hại có trong không khí ô nhiễm.

- Trẻ có khả năng mắc bệnh thường xuyên hơn, và mất nhiều thời gian hơn để phục hồi. 

- Những em bé sinh ra bởi người mẹ thường xuyên tiếp xúc không khí ô nhiễm trong thời kỳ mang thai có nguy cơ cao bị sinh non và nhẹ cân.

Nguồn GreenID

Theo Đời sống
back to top