Diễn đàn Phương pháp dạy và học tiếng Anh nhanh BBST để hội nhập quốc tế trong thời đại Cách mạng 4.0 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) đã diễn ra tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham dự của các nhà quản lý, các chuyên gia về giáo dục, các thầy cô giáo.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LHHVN cho biết, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng có đề cập đến một nhiệm vụ trọng tâm, coi như là một trong ba khâu đột phá để đất nước phát triển. Đó là: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Để hội nhập thành công thì Việt Nam rất cần đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà kỹ thuật lành nghề, chuyên nghiệp… cung cấp cho thị trường lao động ở trong và ngoài nước.
Đội ngũ này rất cần nắm được ngoại ngữ tốt, đặc biệt là bằng ngôn ngữ tiếng Anh – là ngôn ngữ chính, thông dụng trong giao tiếp quốc tế.
Diễn đàn lần này nhằm mục đích nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh, đánh giá những ưu và nhược điểm của các phương pháp dạy học tiếng Anh, trong đó có phương pháp dạy và học tiếng Anh siêu tốc BBST.
TS Nguyễn Ngọc Giao giới thiệu về phương pháp học tiếng Anh theo công nghệ BBST tại Hội thảo. |
Trình bày tại Hội thảo về phương pháp dạy và học tiếng Anh theo công nghệ BBST, TS Nguyễn Trọng Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KHCN cao VUSTA – UIA cho biết, với sự kết hợp nguyên lý “tần suất sử dụng cao” và “logic thời gian”, phương pháp BBST sẽ giúp người học nhanh chóng sử dụng được tiếng Anh.
Cụ thể, chỉ cần 1.000 từ và có kiến thức ngữ pháp cơ bản, vững vàng người học đã có thể giao tiếp khá tốt với người nước ngoài. Chỉ cần thuộc 3.000 từ, tập hợp từ và kiến thức ngữ pháp tốt là có thể dọc báo chí ở mức độ trung bình khó.
Còn với nguyên lý “BIONICS”, với sự tối ưu hóa quá trình tiếp nhận thông tin của não, nhờ sự trợ giúp của điện thoại di động, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, người học có thể luyện nghe nói, tăng vốn từ.
Tại Hội thảo, LHHVN cũng đã đưa ra một số kiến nghị đối với Bộ GD&ĐT, các cơ quan quản lý nhà nước đối với môn học tiếng Anh.
Trong đó, có việc cần quy định chuẩn đầu vào tiếng Anh đối với các trường đại học, phù hợp với quy định đầu ra THPT ở mức A2. Đảm bảo mục tiêu sinh viên tốt nghiệp đại học phải đủ năng lực giao tiếp tiếng Anh cơ bản.