Biến thể Delta - Cuộc chiến đã thay đổi

(khoahocdoisong.vn) - Biến thể Delta nên được coi là Covid-21. Nó không chỉ dễ lây như thủy đậu, mà còn “xuyên thủng” văcxin tạo lây nhiễm đột phá... Delta ngày càng lây nhiễm nhanh hơn như vậy, là bởi SARS-CoV-2 có cấu trúc di truyền RNA dài nhất so với tất cả các virus có trong tự nhiên.

SARS-CoV-2 có cấu trúc di truyền RNA dài nhất 

Trong một báo cáo mới đây của CDC Hoa Kỳ, biến thể Delta được CDC ví dễ lây giống như bệnh thuỷ đậu. Virus siêu lây lan cùng với nhiễm đột phá văcxin, đó chính là lý do để CDC Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố “cuộc chiến đã thay đổi – The war has changed”.

Biến thể Delta ngày càng gia tăng mạnh mẽ, khi nó thích nghi với con người, càng ngày khả năng lây nhiễm càng tăng hơn và Delta sẽ không phải là biến thể cuối cùng gây dịch bệnh. Sở dĩ biến thể Delta ngày càng lây nhiễm nhanh hơn như vậy, là bởi SARS-CoV-2 có cấu trúc di truyền RNA dài nhất so với tất cả các virus có trong tự nhiên, nên trong quá trình sao chép gene xác suất xảy ra sai sót cao nhất, nghĩa là các đột biến xuất hiện vô cùng nhiều. Trong số ngàn vạn những đột biến của Delta, sẽ có những đột biến làm cho tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, đó là ý do biến thể Delta chỉ mất vài tháng đã thống trị toàn thế giới, không gì ngăn cản nổi.

Biến thể Delta.

Biến thể Delta.

Trong hơn một năm rưỡi qua, Covid-19 từ chủng virus Vũ Hán ban đầu mỗi bệnh nhân có thể lây cho 2 người, còn gọi là hệ số lây nhiễm cơ bản R0 = 2. Quá trình đột biến tạo nên bốn biến thể chính: Alpha, Beta, Gama và Delta. Biến thể Alpha có R0 = 4 đã làm rung chuyển thế giới. Nhưng Delta kinh khủng hơn nhiều, các chuyên gia trên thế giới ước tính R0 = 9.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, so với chủng Vũ Hán ban đầu, biến thể Delta có tải lượng virus nhiều hơn gấp 1.260 lần, khả năng lây nhiễm tăng 225%.

Đột biến giống như chìa khoá chủ, có thể mở khoá tế bào theo ý muốn, vì thế mà biến thể Delta có khả năng xâm nhập tế bào rất nhanh, tải lượng virus tăng đột biến. Chỉ trong thời gian ngắn virus đã có đầy ở cổ họng người nhiễm, nó nhanh chóng phát thải ra môi trường xung quanh, hầu hết người không có triệu chứng cũng dễ dàng truyền bệnh cho người khác.

Thời gian tiếp xúc có thể tính bằng giây, có thể là 15 giây, hoặc ngắn hơn chỉ vài giây tiếp xúc thoáng qua đã có thể lây nhiễm.

Tiêm văcxin để cá nhân hóa phòng dịch.

Tiêm văcxin để cá nhân hóa phòng dịch.

Theo công bố của CDC Hoa Kỳ, trong số 469 ca dương tính ở bang Massachusetts, có 346 người (chiếm 74%) đã tiêm đủ liều văcxin Pfizer/BioNTech, Moderna hoặc Jassen (Johnson&Johnson). Hiện tượng tiêm đủ liều văcxin vẫn nhiễm được gọi là “nhiễm đột phá – breakthrough infection”. Kết quả xét nghiệm PCR, những ca nhiễm đột phá có tải lượng virus tương đương với người chưa tiêm văcxin, nghĩa là virus ở cả người đã tiêm và người chưa tiêm chẳng khác gì nhau.

Ba văcxin tiêm chủng ở Massachusetts thuộc công nghệ mRNA. Văcxin công nghệ mRNA có đặc điểm tạo ra kháng thể đặc hiệu IgG, đây là kháng thể đặc hiệu, nhưng lại chỉ là kháng thể chung chung. Kháng thể IgA là kháng thể đặc hiệu tập trung ở hầu họng, thanh khí quản, phổi; rất tiếc văcxin người Mỹ tiêm lại không tạo ra kháng thể này. Bởi vậy mà virus tập trung ở họng những người đã tiêm văcxin cũng tương đương với người chưa tiêm.

Trong 346 người đã tiêm văcxin có nhiễm bệnh, 79% có triệu chứng, nhưng chỉ 4 người phải nhập viện chiếm tỷ lệ 1% là con số rất thấp, không có trường hợp nào tử vong. Như vậy, văcxin vẫn là vũ khí hiệu quả để bảo vệ chúng ta trước biến thể Delta.

Thuỵ Điển đang nghiên cứu sản xuất văcxin bột để hít hoặc xịt họng. Hy vọng thời gian tới, văcxin hít hay xịt họng ra đời, sẽ tạo kháng thể IgA để giảm tải lượng virus ở họng, ngăn chặn virus thải ra môi trường gây nhiễm cho người xung quanh.

 Cá nhân hóa phòng chống dịch

Với đặc tính của biến thể Delta như vậy, theo tôi, cần phải coi dịch bệnh ở thời điểm hiện tại như Covid-21, nó khác rất rất nhiều so với Covid-19. Tôi lấy ví dụ khái niệm tiếp xúc gần (close contact), từ trước đến nay được hiểu là trường hợp một người tiếp xúc với bệnh nhân ở khoảng cách dưới 2m, trong tổng thời gian 15 phút của một ngày, thời điểm bắt đầu trước 2 ngày kể từ khi người bệnh xuất hiện triệu chứng hoặc xét nghiệm dương tính.

Nhưng với nồng độ virus thở vào không khí cao như vậy thì khái niệm này không phù hợp nữa. Tiếp xúc gần nên được hiểu là những người ở cùng với người bệnh trong cùng một không gian, cùng đơn vị, cùng toà nhà; thời gian tiếp xúc không giới hạn, thời điểm tiếp xúc bắt đầu trước 4 ngày kể từ khi có triệu chứng hoặc xét nghiệm dương tính.

Về chiến thuật phòng chống, theo tôi, nên chống dịch theo yếu tố nguy cơ ở từng lĩnh vực cụ thể theo các mức xanh, vàng, cam, đỏ, tím; mỗi mức có một biện pháp can thiệp phù hợp. Ví dụ như vùng đỏ sẽ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ở mức tím sẽ phong toả toàn diện nội bất xuất ngoại bất nhập, mức cam sẽ ở trạng thái bình thường mới chấp nhận một tỷ lệ Covid-19 đủ an toàn không đe doạ hệ thống y tế địa phương.

Tiếp theo, phải bảo vệ nhóm người có nguy cơ mắc bệnh nặng, phòng vệ tốt cho nhóm có nguy cơ lây nhiễm; ngoài những biện pháp cơ học, thì văcxin trong giai đoạn khan hiếm phải ưu tiên số một cho nhóm người này.

Tiêm chủng phải luôn theo cấp số nhân, chạy đua vượt qua tốc độ lây nhiễm theo cấp số nhân của biến thể Delta. Ví dụ, xuất hiện ổ dịch ở một quận, ngay lập tức phải dồn văcxin về quận đó tiêm thật nhanh cho nhóm ưu tiên, sau đó mở rộng tiêm thật nhanh cho những đối tượng khác.

Xây dựng tuyến phòng thủ điều trị là cực kỳ quan trọng. Phát hiện ổ dịch để khống chế không để bùng phát cũng quan trọng không kém. Muốn vậy xét nghiệm ổ dịch phải thực hiện siêu tốc, theo cấp số nhân vượt qua tốc độ phát triển của virus. Truy xuất nguồn gốc phải thực hiện nhanh chóng để giúp cho cắt đứt nguồn lây ở giai đoạn đầu. Khi dịch phát triển thì phải kiểm soát vùng dịch một cách khoa học và toàn diện.

Cuối cùng, cá nhân hoá phòng chống dịch là tối quan trọng, chỉ khi mỗi cá nhân tự phòng được cho mình không bị nhiễm bệnh, hầu hết cá nhân đều làm được điều đó, thì cộng đồng mới an toàn. Virus sẽ tiếp tục biến đổi. Mọi người phải tiêm phòng. Cùng nhau xây dựng bức tường chặn virus. Mỗi người cần có ý thức tự phòng cho mình. Đó là cách chúng ta sống chung với virus.

BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)

Theo Đời sống
back to top