Biến thể Covid-19 mới phát hiện tại Việt Nam nguy hiểm ra sao?

(khoahocdoisong.vn) - Chủng virus Corona biến đổi mới phát hiện ở Việt Nam không phải là chủng biến đổi lai giữa chủng virus B.1.617.2 và B.1.1.7. Đột biến ở các biến thể ở virus là bình thường.

Phát hiện chủng virus biến đổi

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 ngày 29/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, qua giải trình tự gene virus trên các bệnh nhân ở Việt Nam, cơ quan y tế phát hiện một chủng virus mới có sự lai tạo giữa chủng virus phát hiện ở Ấn Độ và chủng virus phát hiện ở Anh. Theo đó, trên chủng virus phát hiện ở Ấn Độ có những đột biến gene của chủng virus phát hiện ở Anh. Đặc điểm của chủng virus này là lây nhanh, phát tán rộng trong không khí, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh. Số ca mắc tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn. Tới đây sẽ công bố chủng virus mới này trên bản đồ gene thế giới.

Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 7 biến chủng của virus Corona gồm: B.1.222, B.1.619, D614G, B.1.1.7, B.1.351, A.23.1 và B.1.617.2. Trong đó, chủng B.1.617.2 phát hiện ở Ấn Độ có khả năng lây lan mạnh, là nguyên nhân xuất hiện số ca nhiễm cộng đồng lớn tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Bắc.

GS.TS Nông Văn Hải, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, vừa qua, ta đã công bố phát hiện một biến thể SARS-CoV-2 mới. Chính xác thì đây là biến thể B.1617.2 có thêm một đột biến mới làm mất vị trí Y144 (chưa rõ chức năng) trên protein gai, trùng hợp ngẫu nhiên với vị trí này ở biến thể B.117.

Được biết, biến thể B.117 có tất cả 23 đột biến bao gồm Y144, nhưng trong đó vị trí N501Y là quan trọng nhất, liên quan đến sự tương tác với thụ thể ACE2 và sự lây lan của virus. Như vậy, đây không phải là biến thể lai hay tái tổ hợp (hybrid hay recombinant) giữa 2 biến thể B.1617.2 – B.117, mà chỉ là kết quả của sự đột biến tự nhiên mất Y144 của biến thể B.1617.2.

GS.TS Nông Văn Hải cho hay, theo thời gian, mọi biến thể đang lưu hành tại Việt Nam hay bất kỳ nước nào khác, ví dụ như biến thể B.1617.2 hay B.117, đều sẽ có các đột biến mới và không có gì là lạ. Đáng lưu ý các bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm biến thể B.1617.2 từ tháng 4 (ở Vĩnh Phúc) đến nay đã sau gần 2 tháng rồi. Nếu tính giả sử biến thể B.1617.2 này lọt vào Việt Nam và lây nhiễm ra cộng đồng từ 2 - 3 tháng trước, thì đến nay nó có thể đã có khoảng 4 - 6 đột biến. Điều này cần được điều tra, nghiên cứu kỹ.

Đóng góp vào ngân hàng gene thế giới

Khi xác lập đó là biến chủng mới, các dữ liệu sẽ được cập nhật vào hệ thống ngân hàng dữ liệu gene thế giới GISAID. GISAID là bản đồ cập nhật kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2, được các nhà khoa học trên toàn thế giới cập nhật liên tục. Thông qua bản đồ này, các nhà khoa học tại nhiều quốc gia có thể cùng tham khảo, theo sát sự biến đổi của của SARS-CoV-2.

GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, quá trình giải trình tự gene phát hiện có đột biến mất Y144 trên protein S của virus B.1.617.2 (chủng phát hiện ở Ấn Độ). Đột biến này giống đột biến phát hiện trên biến thể B1.1.7 (chủng phát hiện ở Anh). Dữ liệu B.1.617.2 trên GISAID hiện chưa ghi nhận đột biến biến mất Y144, nên đột biến này vẫn cần theo dõi và nghiên cứu thêm.

Theo một nhà khoa học chuyên về di truyền, dù nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 không ngừng được thúc đẩy trên khắp các phòng thí nghiệm, nơi bệnh dịch đi qua, thì vẫn còn tồn tại nhiều khoảng trống hiểu biết về chủng virus mới này. Một trong những nguyên nhân quan trọng là vẫn còn nhiều thách thức trong khai thác thông tin từ những kết quả giải trình tự gene. Vì vậy, hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn còn chưa xác định chính xác đâu là vật chủ trung gian của loài virus này từ một số giả thuyết như tê tê, dơi, cầy hương... Mặt khác, theo dấu di truyền mới chỉ là một khía cạnh bởi dịch bệnh lây lan còn phụ thuộc vào những hành vi, chuyển động... của người mang bệnh.

Theo Đời sống
back to top