Ngày 29/4, dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nam. Chỉ sau 40 ngày, Việt Nam đối mặt số ca mắc Covid-19 cao nhất từ trước đến nay - 5.832 bệnh nhân (tính đến tối 7/6). Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay như đã dự báo trước đó, đợt dịch thứ 4 diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát. Dịch bệnh lan ra 39 tỉnh, thành phố.
Dịch phức tạp vì 4 điểm khác biệt so với những giai đoạn trước. Đó là thách thức từ đa ổ dịch, đa nguồn lây; hai "thành trì y tế" bị chọc thủng; sự xuất hiện của biến chủng mới B.1.617 (từ Ấn Độ); nhiều người trẻ tuổi, không mắc bệnh nền nhưng diễn biến nặng rất nhanh.
Trước những khác biệt và số ca mắc vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt ở 4 thành phố lớn là Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, TP.HCM, Chính phủ, Bộ Y tế đã quyết liệt dập dịch ở mức độ cao nhất. Nhiều biện pháp lần đầu tiên được áp dụng chính thức và thí điểm ở nhiều địa phương.
Nhân viên y tế TP.HCM tại các điểm lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc Covid-19 cho người dân. Ảnh: Chí Hùng. |
"Đột phá chiến lược" phòng dịch bằng vaccine
Với phương châm chống dịch ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng vaccine là "chìa khóa" để vượt qua dịch Covid-19 và nhiều lần quán triệt “huy động mọi nguồn lực để mua vaccine”.
TS Nguyễn Sỹ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) đánh giá: “Trọng tâm rõ ràng phải là vaccine, tiêm chủng để tạo miễn dịch cộng đồng, không thể cứ truy vết, khoanh vùng mãi được. Hơn 1,5 năm vừa qua cứ liên tục như vậy nhưng đến bây giờ thì không thể kéo dài vô tận”, ông nói.
Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, ông Dũng cho rằng “tiêm chủng sẽ tạo nên sự khác biệt”, là "đột phá chiến lược" trong phòng, chống dịch.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhận định: "Chỉ có vaccine Covid-19 mới đưa được cuộc sống trở lại bình thường". Do đó, Chính phủ và Bộ Y tế tích cực tiếp cận nhiều nguồn cung ứng, đảm bảo nguồn tài chính vững bền cho vaccine Covid-19.
Trên thực tế, chiến lược phòng, chống dịch xuyên suốt của Việt Nam là "5K + vaccine". Trong làn sóng Covid-19 thứ 4, chiến lược này càng được thực hiện quyết liệt, thần tốc. Tính đến 16h ngày 7/6, 1.340.098 liều vaccine đã được tiêm cho người dân thuộc nhóm ưu tiên. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 38.166.
Đồ họa: Thiên Nhan. |
Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam phê duyệt thành lập Quỹ Vaccine Covid-19. Theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý Quỹ Vaccine Covid-19, đến chiều 7/6, số tiền huy động vào quỹ đã đạt 6.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ động đề xuất chuyển giao công nghệ vaccine. Theo kế hoạch, từ tháng 7, Công ty TNHH Vabiotech sẽ gia công, đóng ống 5 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga mỗi tháng tại Việt Nam.
Trong nước, vaccine Covid-19 Nano Covax của Việt Nam sắp vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Học viện Quân y dự định tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine phòng Covid-19 Nano Covax trong tháng 6 với 13.000 tình nguyện viên. Khi thử nghiệm giai đoạn 2, vaccine Nano Covax đã chứng minh được tính an toàn và cơ bản được đánh giá tốt. Kết quả cho thấy hiệu quả sinh kháng thể của vaccine tốt nhất đạt khoảng trên 90%, hiện còn phải đánh giá chỉ tiêu vàng là trung hòa virus sống.
Có thể nói, với trọng tâm là vaccine Covid-19, Việt Nam đang nỗ lực mọi cách, tận dụng mọi nguồn để có vaccine trong thời gian sớm nhất, số lượng nhiều nhất.
3 LOẠI VACCINE COVID-19 ĐƯỢC BỘ Y TẾ PHÊ DUYỆT CÓ ĐIỀU KIỆN | |||
Tên vaccine | Nhà sản xuất | Ngày phê duyệt | Hiệu quả bảo vệ |
AZD1222 | AstraZeneca (Anh) | 1/2 | 62-90% |
Sputnik V | Viện Nghiên cứu Gamaleya (Nga) | 23/3 | 91,6% |
Vero Cell | Sinopharm (Trung Quốc) | 4/6 | 79% |
Thí điểm cách ly F1 có nguy cơ thấp tại nhà
Trước những phức tạp của ổ dịch các khu công nghiệp thuộc Bắc Ninh, Bắc Giang, từ cuối tháng 5, Bộ Y tế đã thống nhất thí điểm cho phép F1 có nguy cơ thấp cách ly tại nhà ở hai địa phương này.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng biện pháp trên do số F1 bắt buộc phải cách ly ở Bắc Ninh, Bắc Giang lên tới hơn 50.000 người. Nhiều khu cách ly tập trung không đủ chỗ.
Cách ly F1 có nguy cơ thấp tại nhà chỉ thí điểm ở Bắc Giang và Bắc Ninh, không phải trên quy mô cả nước và không phải với tất cả F1. Để làm được điều đó, F1 cần được phân loại rất kỹ. Những người tiếp xúc rất gần và có nguy cơ cao vẫn phải cách ly tập trung. Người tiếp xúc ở khoảng cách xa (trên 2 m), có thể cách ly tại nhà.
F1 được cách ly tại nhà phải đảm bảo các yếu tố như có phòng riêng, thoáng và điều kiện vệ sinh tương đối riêng biệt. Những thành viên khác trong gia đình không tiếp xúc gần F1. Mọi sinh hoạt của người này thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Người cách ly tại nhà phải ký cam kết thực hiện các biện pháp như cách ly ở điểm tập trung, thời gian đủ 21 ngày. Nếu vi phạm khi cách ly tại nhà, F1 sẽ bị xử lý nghiêm. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, chúng ta sẽ làm thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng biện pháp này.
Thí điểm cách ly F1 có nguy cơ thấp tại nhà và người dân tự lấy mẫu xét nghiệm là biện pháp được đưa ra trước thực trạng số F1, trường hợp phải lấy mẫu xét nghiệm khổng lồ tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Ảnh: Phạm Thắng. |
Người dân tại Bắc Ninh, Bắc Giang tự lấy mẫu xét nghiệm
Ngay từ đầu tháng 6, những người thuộc diện nguy cơ ở Bắc Ninh, Bắc Giang, thay vì được nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm, có thể tự lấy, sau đó, gửi mẫu tới cơ quan chức năng để thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2. Biện pháp chưa từng có này được đưa ra do số lượng người cần xét nghiệm lớn khiến nhân viên lấy mẫu quá tải.
Bên cạnh xét nghiệm rRT-PCR, Bộ Y tế cũng khuyến khích hai địa phương này mở rộng xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm nhanh kháng nguyên, gộp mẫu 10 thay vì 5 như trước. Mục đích là đẩy mạnh xét nghiệm, nhanh chóng khống chế dịch.
Biện pháp mới nằm trong sự thay đổi của Bộ Y tế về chiến lược xét nghiệm: Khuyến khích xét nghiệm tầm soát trên diện rộng. Bộ cũng đã cấp phép thêm cho sinh phẩm kháng nguyên nhanh (test nhanh), bên cạnh xét nghiệm rRT-PCR trước đó.
Sử dụng vòng đeo tay theo dõi F1
Nhằm quản lý nghiêm những trường hợp cách ly tập trung, Việt Nam sẽ thử nghiệm vòng đeo tay chuyên dụng quản lý từ xa cho các F1. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam sử dụng sản phẩm này trong theo dõi, giám sát người cách ly.
Những trường hợp cố tình tháo vòng hoặc di chuyển bên ngoài phạm vi cách ly, nhân viên y tế sẽ được thông báo ngay lập tức và có những động thái kịp thời, nhanh chóng để kiểm soát, truy vết những người liên quan.
Thiết bị có thể được sử dụng với người nhập cảnh, người cách ly tập trung, người cách ly tại nhà, cho phép theo dõi vị trí của người cần cách ly Covid-19, quản lý từ xa các F1, F2 cách ly tại nhà sẽ giúp giảm tải khối lượng công việc cho không ít cán bộ phòng, chống dịch.
Một khu vực phong tỏa tại TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Thang đánh giá nguy cơ 4 mức độ và bản đồ chống dịch
Đây là quy định được ban hành dựa trên Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ. Điểm mới của quy định này là bản đồ chống dịch - được hình thành dựa trên các dữ liệu bắt buộc phải cập nhật từ cấp xã trở lên và dữ liệu được tập hợp từ nguồn có sẵn.
4 mức độ nguy cơ được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng với các màu sắc: Nguy cơ rất cao (màu đỏ); nguy cơ cao (màu cam); nguy cơ (màu vàng); bình thường mới (màu xanh). Đặc biệt, địa phương có quyền bổ sung, áp dụng biện pháp có thể ở mức độ cao hơn, cần thiết tùy theo tình hình dịch, đặc thù phát triển kinh tế tại địa phương.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có một bộ phận chuyên đánh giá an toàn cùng giúp sức để đưa ra đánh giá chính xác hơn và dữ liệu được đưa lên bản đồ Covid-19, cập nhật trên trang nguyco.antoancovid.vn.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng các sự kiện y tế công cộng, mục tiêu khi xây dựng quy định này là phải rất dễ hiểu để bất kỳ ai nhìn vào từ cấp lãnh đạo cao nhất của Chính phủ đến chủ tịch xã hoặc người dân đều có thể biết được. Đặc biệt, dựa trên các tiêu chí cụ thể, trong một tỉnh, mỗi huyện, mỗi xã lại có những vùng nguy cơ khác nhau.
Ngoài 5 biện pháp trên, Việt Nam cũng đã có cuộc ra quân lớn nhất từ trước đến nay nhằm truy vết, tầm soát, dập dịch Covid-19 bởi số F1, người phải lấy mẫu xét nghiệm lên tới hàng trăm nghìn.
Để đi trước, chặn đứng con đường lây lan của virus, lực lượng y tế tại các điểm nóng đã đồng loạt ra quân. Tại TP.HCM, hơn 700 nhân viên y tế ở 30 đơn vị hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm. Chưa lúc nào ngành y tế TP.HCM điều động lượng lớn nhân viên y tế cả khối điều trị và dự phòng tham gia điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 như vậy.
Tuy nhiên, để những biện pháp quyết liệt này hiệu quả, tất cả người dân phải tuân thủ quy định phòng dịch và hợp tác với cơ quan chức năng.