Biến chứng thần kinh ngoại biên ở bệnh nhân đái tháo đường

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh nhân đái tháo đường dễ mắc biến chứng thần kinh ngoại biên, đặc biệt ở người không kiểm soát đường máu tốt.

Biến chứng thần kinh-  nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế

Bệnh nhân T.V.T. (55 tuổi, ở Hải Phòng) được phát hiện mắc bệnh đái tháo đường từ 10 năm nay. Mặc dù đường máu thường trên 12mmol, nhưng ông C. lại bằng lòng với mức đường huyết này và không đi khám lại. Ông nghĩ, đã uống thuốc đều theo chỉ định và cũng không thấy có triệu chứng gì khó chịu. Ngược lại, nếu tự uống thêm thuốc để hạ mức đường huyết thì ông bị choáng váng. Cứ thế một thời gian dài, cho tới khi ông cảm thấy tê bì nhiều hai chi dưới, đêm nằm nóng rát không ngủ được, phù mặt và đường máu tăng rất cao nên phải đến bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị.

TS.BS Đỗ Đình Tùng, Phó Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa cho biết, tình trạng bệnh của ông C. bị biến chứng thần kinh ngoại biên do đường máu cao trong giai đoạn dài. Còn tình trạng đường huyết đột ngột tăng vọt do bệnh nhân C. tự ý mua thuốc điều trị bệnh đau khớp, trong đó có corticoid - đây là loại thuốc nếu uống sẽ làm cho tình trạng kiểm soát đường máu kém hơn, ngoài ra còn có thể bị nhiều biến chứng khác nữa. Biến chứng thần kinh ngoại biên của bệnh đái tháo đường ít gây tử vong, nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, bắt buộc cắt cụt chân.

Đến nay, không có thuốc điều trị khỏi biến chứng thần kinh do đái tháo đường. Các phương pháp điều trị chỉ giúp giảm đau, làm chậm diễn tiến bệnh và phục hồi biến chứng. Biến chứng thần kinh ngoại biên thường gây ảnh hưởng đến hai chi dưới với các triệu chứng bệnh lý như giảm cảm giác đồng đều ở 2 chân, chủ yếu là bàn chân, có thể lan đến cẳng chân nhưng ít khi vượt qua đầu gối; Cảm giác tê bì ở chân, đặc biệt là ngón chân và 2 bàn chân. Người bệnh thấy đau, nóng rát ở gan bàn chân, tình trạng tăng về đêm khiến bệnh nhân mất ngủ. Cơn đau có thể kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt, không đáp ứng điều trị với thuốc giảm đau thông thường. Người bệnh mất cảm giác 1 phần hoặc toàn bộ: Khi dây thần kinh ở chân bị tổn thương nặng, người bệnh bị rối loạn cảm giác hoặc mất cảm giác hoàn toàn ở khu vực này. Vì thế, bệnh nhân cũng không thể nhận biết dấu hiệu nguy hiểm như nóng, đau do bỏng, vật lạ đâm cho tới khi chân sưng tấy hoặc nhiễm trùng nặng. Triệu chứng tương tự cũng gặp ở chi trên và bàn tay nhưng thường đến muộn hơn. Nặng nhất là người bệnh mất cảm giác hoàn toàn, gây nguy cơ loét bàn chân. Cuối cùng người bệnh có thể phải cắt cụt chi do biến chứng thần kinh ngoại biên ở bệnh tiểu đường xảy ra.

Tổn thương hệ thống dây thần kinh và mạch máu

Theo các chuyên gia, lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài sẽ làm tổn thương đến hệ thống dây thần kinh và mạch máu, các biến chứng gồm:

Biến chứng mạch máu lớn: Bệnh nhân bị xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch vành.

Biến chứng mạch máu nhỏ: Gây tổn thương các dây thần kinh, ảnh hưởng đến mắt, thận như giảm thị lực, mù lòa, suy thận.

Biến chứng do tổn thương hệ thần kinh: Người bệnh có thể bị rối loạn cảm giác, rối loạn chức năng sinh dục, rối loạn hoạt động của các cơ quan và bộ phận trong cơ thể.

Nếu đường máu tăng cao gây biến chứng cấp có thể có nhiễm toan ceton do tăng đường huyết. Triệu chứng ở người nhiễm toan ceton là bồn chồn, khó chịu, thở ra có mùi hoa quả bị lên men. Nếu đường huyết tăng cao quá mức làm nước trong cơ thể bị thẩm thấu nhiều vào trong lòng mạch, dịch của cơ thể bị kéo ra ngoài theo đường nước tiểu làm cơ thể bị mất chất dịch nghiêm trọng. Các triệu chứng của tăng áp lực thẩm thấu cũng khá giống với nhiễm toan ceton. Trong những trường hợp này người bệnh phải mau chóng được đưa đến viện cấp cứu kịp thời.

Theo Đời sống
back to top