Giúp người bệnh kiểm soát bệnh và đề phòng những tai biến có thể xảy ra, chúng tôi xin mời bạn đọc tham khảo bài viết về vấn đề này của GS.TS. Trần Đức Thọ, Chủ tịch Hội Nội tiết – đái tháo đường Việt Nam.
Vì sao bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não (TBMMN) là sự rối loạn tuần hoàn não dưới dạng cấp tính, bệnh xuất hiện đột ngột trong vài giây hoặc có thể xuất hiện nhanh trong vài giờ với các triệu chứng như: đau đầu dữ dội, nôn, buồn nôn, liệt chi, mất ngôn ngữ, mất phản xạ, xuất huyết não… Người bệnh có thể bị tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời,
nếu qua khỏi thì cũng giảm tuổi thọ nghiêm trọng và suy giảm nhiều chức năng của cơ thể, thậm chí tàn phế. Đối với bệnh nhân ĐTĐ, nhiều trường hợp tử vong do nhồi máu não, đặc biệt là nhồi máu ổ khuyết.
Tăng huyết áp (THA) là biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ. THA kinh diễn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TBMMN. Tỷ lệ THA ở bệnh nhân ĐTĐ cao gấp 1,5 – 3 lần so với nhóm không bị ĐTĐ. Đối với ĐTĐ týp 1, THA xảy ra sau nhiều năm. Đối với bệnh nhân ĐTĐ týp 2, THA là vấn đề thường gặp, sẽ nghiêm trọng hơn về huyết áp nếu người bệnh có biến chứng ở thận.
ĐTĐ làm cho quá trình xơ vữa động mạch diễn ra nhanh hơn ở người bình thường, do vậy hiện tượng những cục huyết khối hình thành trong lòng động mạch hay các mảng xơ vữa làm bít tắc lòng động mạch là nguyên nhân làm cho máu, ôxy không đến nuôi dưỡng được vùng mạch máu đó cung cấp. Đây không chỉ là lý do dẫn đến tắc mạch máu não, phình vỡ mạch máu não mà còn gây ra đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim…
Hầu hết các bệnh nhân ĐTĐ thường bị nhiễm mỡ máu, có lượng cholesterol trong máu vượt quá khả năng cho phép, nhất là cholesterol có hại làm cho quá trình xơ vữa động mạch càng trở nên trầm trọng hơn, nguy cơ TBMMN càng cao. Điều quan trọng là các yếu tố này thường xuất hiện đồng thời ở bệnh nhân ĐTĐ, do vậy nguy cơ tai biến là rất có thể nếu không được kiểm soát và điều trị bệnh đúng đắn.
Tắc mạch gây nhồi máu não
Làm thế nào để xác định bệnh và kiểm soát biến chứng TBMMN
Dựa trên các yếu tố nguy cơ như thừa cân, béo phì, có cuộc sống tĩnh tại, ít vận động, hút thuốc lá, gia đình có người bị ĐTĐ, phụ nữ sinh con lớn hơn 4kg… cần phải có kiểm tra đường huyết để xác định sớm bệnh. Khi đã có những biểu hiện bệnh như sút cân nhanh chóng, khát nước nhiều, ăn nhiều, tiểu nhiều, mệt mỏi, rụng tóc, rối loạn kinh nguyệt, chóng mặt, mất ngủ… cần phải đi khám bệnh ngay. Tại các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ tiến hành đo nồng độ glucose huyết tương ngẫu nhiên hoặc nồng độ glucose huyết tương lúc đói. Kết quả này được khẳng định lại bằng xét nghiệm lần thứ 2.
Xác định TBMMN dựa trên những biểu hiện lâm sàng của bệnh và trên hình ảnh chụp CT não có tổn thương hoặc nhồi máu ổ khuyết. Cũng cần phần biệt bệnh nhân TBMMN não do các nguyên nhân khác như u não, bệnh van tim, bệnh máu, do dùng thuốc chống đông, phẫu thuật tạo hình, dị dạng mạch máu não…
Kiểm soát ĐTĐ và phòng ngừa TBMMN
Tất cả các bệnh nhân ĐTĐ đều phải được theo dõi chặt chẽ đường huyết, chỉ số đông máu, chỉ số cholesterol, triglycerid, huyết áp. Cụ thể: glucose lúc đói nhỏ hơn hoặc bằng 7mmol/lit (<126mg/dl); glucose huyết sau ăn nhỏ hơn hoặc bằng 10,0mmol/l; HbA1C <6,2%; Cholesterol toàn phần nhỏ hơn hoặc bằng 4,5mmol/l; triglycerid <1,5mmol/l; LDL- C < 2,5mmol/l.
Để không những chỉ số này không bị tăng vọt hay giảm quá mức, người bệnh cần tuân thủ nguyên tắc điều trị của bác sĩ. Nhất thiết các bệnh nhân này cần ăn nhạt, hạn chế ăn đồ ngọt, ăn ít mỡ, không dùng phủ tạng động vật, không hút thuốc lá, hạn chế tối đa sử dụng các chất kích thích khác như rượu bia, cà phê… Nên có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin và chất xơ, đặc biệt là ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi. Bên cạnh đó cần thường xuyên tập luyện thể thao như đi bộ, kiểm soát cân nặng.
Kiểm soát THA chống phù não có thể bằng glycerol (không được sử dụng manital, uống aspegic 50mg mỗi ngày). Tuy nhiên sử dụng các thuốc này phải do thầy thuốc chuyên khoa chỉ định. Các trường hợp có biểu hiện TBMMN cần phải đi cấp cứu kịp thời, hạn chế tử vong và tàn phế cho người bệnh.