Viêm loét dạ dày bệnh lý đơn giản, phổ biến có thể chữa khỏi nhưng nếu chủ quan sẽ gây ra nhiều biến chứng như chảy máu, thủng dạ dày, hẹp môn vị, ung thư dạ dày.
Bệnh có thể chữa khỏi tránh để biến chứng nặng nề
Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương, viêm sưng và tạo thành vết loét, từ đó gây đau thượng vị và các triệu chứng khác.
Dạ dày có khả năng tiết ra một loại axit mạnh giúp tiêu hóa thức ăn và chống lại các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài.
Tuy nhiên, chính axit này cũng có thể gây tổn thương đến các mô bình thường trong niêm mạc dạ dày. Bình thường, dạ dày sẽ tiết ra một lớp chất nhầy dày để bảo vệ các mô khỏi tác động của axit.
Dưới tác động của nhiều yếu tố, lớp chất nhầy này sẽ bị bào mòn và không còn hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện để axit tiếp xúc và làm tổn thương các mô trên niêm mạc dạ dày, từ đó gây viêm loét.
Nhiều người bị viêm loét dạ dày hoặc tá tràng vào một thời điểm nào đó trong đời. Bệnh có thể dễ dàng chữa khỏi nhưng nếu chủ quan, viêm loét dạ dày có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như chảy máu, thủng dạ dày hoặc hẹp môn vị, ung thư.
Thực phẩm tốt cho bữa sáng ở người đau dạ dày - Ảnh minh họa |
Cách ăn bữa sáng hỗ trợ lành bệnh
Khi bị viêm loét dạ dày, việc ăn uống đúng cách vào buổi sáng rất quan trọng để giúp giảm triệu chứng và hỗ trợ quá trình lành bệnh. Dưới đây là một số gợi ý thực phẩm phù hợp:
Thực phẩm ít chua và dễ tiêu hóa: Nên chọn các loại thức ăn ít chua như bánh mì mềm, bột yến mạch, hoặc cháo gạo. Đây là những thức ăn nhẹ nhàng, không gây kích ứng cho niêm mạc dạ dày.
Tránh thực phẩm có thể gây kích ứng: Nên tránh thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ hoặc các loại thực phẩm chứa nhiều axit như cam, chanh vào buổi sáng. Những thực phẩm này có thể làm tăng tiết axit dạ dày và gây kích ứng vùng loét.
Chọn thực phẩm giàu protein nhẹ nhàng: Trứng luộc, sữa tách béo, hoặc phô mai tươi ít béo là những nguồn protein tốt, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày. Đặc biệt, protein cũng giúp kiểm soát axit dạ dày, ngăn ngừa tái phát loét.
Rau củ nấu chín mềm: Nên chọn các loại rau củ mềm và nấu chín kỹ, như khoai tây, cà rốt hoặc bí đỏ. Chúng chứa nhiều chất xơ dễ tiêu, không làm tổn thương thêm cho niêm mạc dạ dày.
Sử dụng chất béo tốt: Các loại dầu thực vật như dầu ô-liu hoặc dầu dừa có tác dụng tốt hơn cho dạ dày so với mỡ động vật. Tuy nhiên, nên dùng ở lượng vừa phải để không làm quá tải dạ dày vào buổi sáng
Uống đủ nước: Nước ấm có thể giúp làm dịu dạ dày và giảm tiết axit dạ dày. Tránh uống cà phê hoặc các loại nước có gas vì chúng có thể kích thích tiết axit dạ dày nhiều hơn.
Tình trạng viêm loét dạ dày thường gây đau rát, đau âm ỉ ở vùng giữa xương ức (vùng dạ dày) hoặc giữa rốn (vùng thượng vị). Các cơn đau này có xu hướng nghiêm trọng hơn khi dạ dày rỗng, không chứa thức ăn. Tùy vào mức độ viêm loét mà cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
Một số triệu chứng khác của viêm loét dạ dày gồm khó tiêu, đầy hơi; ợ nóng, ợ chua hoặc trào ngược axit; buồn nôn, nôn; ăn không ngon miệng, mau no; mệt mỏi, suy nhược; phân sẫm màu, phân đen hoặc có máu; sụt cân không rõ nguyên nhân.
Viêm loét dạ dày cấp tính có thể chữa trị khỏi nhưng ở giai đoạn mạn tính rất khó điều trị khỏi, gây ra các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị (viêm loét dạ dày có thể hình thành các mô viêm xơ ở cuối dạ dày, ngăn cản quá trình vận chuyển của thức ăn trong hệ tiêu hóa), ung thư dạ dày.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội)