Cáo buộc "chơi xấu"
Ngày 12/2/2020, truyền thông quốc tế đồng loạt thông tin, Facebook đã đưa ra cáo buộc với các nhà mạng Viettel và Mytel vì cho rằng có liên quan đến việc sử dụng chiến thuật thông tin giả nhằm hạ uy tín đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua giành giật thị phần viễn thông tại Myanmar.
Facebook công bố đã phát hiện và xóa bỏ 13 tài khoản và 10 pages trên Facebook và trên Instagram, trong đó có nhiều tài khoản và pages được cho là của Mytel - nhà mạng của Myanmar, thương hiệu liên doanh của Viettel. Những trang Facebook này đã được sử dụng để chia sẻ các ghi chú, tin tức về các công ty viễn thông khác nhằm hạ thấp uy tín đối thủ. Facebook ước tính nhà mạng này đã chi 1,2 triệu USD cho chiến dịch trên.
Trong thông báo phát đi, Giám đốc Chính sách an ninh mạng của Facebook đã chỉ đích danh một công ty truyền thông Việt Nam có tên: “Gapit Communications” có liên quan đến sự việc này.
Được biết, Mytel là tên gọi mạng di động tại Myanmar của Liên doanh Myanmar National Tele & Communications Co. Ltd. - liên doanh giữa Tổng công ty CP Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global - chiếm 49% vốn sở hữu) cùng Myanmar National Telecom Holding Public Limited (MNTH - chiếm 23% vốn) và Star High Public Company Limited (Star High - chiếm 28% vốn). Mytel đang có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thần tốc, nhanh chóng chiếm 22% thị phần tại Myanmar.
Viettel Global được thành lập năm 2007, là Công ty con của Tập đoàn Viettel. Những năm gần đây Viettel Global liên tiếp góp vốn đầu tư vào lĩnh vực viễn thông tại thị trường nước ngoài trong đó có Lào, Campuchia, Myanmar.
Thời điểm đầu năm 2019 Viettel Global rót vốn đầu tư vào Mytel 335,424 tỷ đồng, trong khi đó thời điểm cuối năm khoản đầu tư vào mạng viễn thông này đã được tăng gần gấp 3 lần với con số đầu tư là 927,563 tỷ đồng.
Năm 2019, Mytel trở thành nhà mạng lớn thứ ba tại Myanmar với hơn 14% thị phần. Đây là nhà mạng đầu tiên triển khai hạ tầng 4G và 5G đầu tiên tại thị trường Myanmar.
Ngoài Myanmar National Tele & Communications (Mytel), Viettel Global còn đầu tư vào Công ty TNHH Viễn thông Star (STL) tại Lào, Công ty TNHH Metcom (Metcom) tại Campuchia. Tổng tài sản thuần Viettel Global đầu tư vào các công ty liên kết cuối năm 2019 là hơn 2.123 tỷ đồng, lợi nhuận đầu tư vào các công ty liên kết lũy kế đến hết năm nay là 353,456 tỷ đồng, trong khi năm trước là âm 1.419 tỷ đồng.
Trước cáo buộc “chơi xấu” đối thủ, Viettel đã lên tiếng và cho rằng doanh nghiệp này luôn hoạt động tuân thủ pháp luật và đang kiểm tra những thông tin được Facebook đề cập.
Gapit Communications cũng bị Facebook cáo buộc dính líu đến vụ việc này. |
Nhóm chủ Gapit là ai?
Như đã nói, Công ty CP truyền thông Gapit (Gapit Communications) chính là doanh nghiệp đã bị Facebook cáo buộc cùng nhà mạng Mytel và Viettel phát tán thông tin trên mạng xã hội để “chơi xấu” các đối thủ tại thị trường viễn thông Myanmar.
Theo xác minh của KH&ĐS, trước đó, cuối năm 2016, Gapit Communications cũng dính líu tới vụ việc Công ty Sam Media cùng các nhà mạng (Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnammobile và các công ty công nghệ (trong đó có Gapit) “bắt tay” nhau để âm thầm “móc túi” khách hàng với tổng số tiền là 230,4 tỷ đồng thông qua ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động.
Gapit Communications thành lập từ năm 2005, đặt trụ sở tại Tòa nhà D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội, hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin. Công ty này là đối tác của hàng loạt doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam như: Mobifone, Viettel, Vinaphone, Vietnammobile.
Hiện nay Gapit Communications do ông Hoàng Đức Trung (SN 1971) là Giám đốc, Thành viên HĐQT và đồng thời đại diện theo pháp luật.
Ông Trung còn biết đến với vai trò Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm DFJ VinaCapital chuyên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới. Tìm hiểu cho thấy, Quỹ DFJ Vinacapital đã rót vốn vào Gapit Communications từ năm 2007.
Ngoài ra, ông Trung hiện cũng là Thành viên HĐQT của Tập đoàn Yeah1 với vai trò người đại diện vốn của DFJ VinaCapital Venture Investment Ltd.
Về cơ cấu cổ đông, Gapit Communications đăng ký 07 cổ đông sáng lập. Tới thời điểm ngày 9/6/2017 Công ty CP truyền thông CenTech (CenTech) đăng ký sở hữu 7,41% cổ phần, ông Nguyễn Trung Kiên sở hữu 33,132% cổ phần, ông Lê Mạnh Hùng sở hữu 4,070% cổ phần và Nguyễn Đức Thắng sở hữu 4,820% cổ phần; Còn lại 03 cá nhân: Shirley John Edward, Đỗ Trúc Ly, và Nguyễn Thị Kim Tuyến đã chuyển nhượng hoàn toàn cổ phần tại Gapit.
Đáng lưu ý, nhóm cổ đông Nguyễn Trung Kiên (SN 1975), Nguyễn Đức Thắng (SN 1973), Lê Mạnh Hùng (SN 1976), Đỗ Trúc Ly (SN 1982) cũng chính là cổ đông sáng lập nên Công ty CP truyền thông CenTech.
CenTech thành lập năm 2005, đặt trụ sở chính tại tòa nhà Ford Thăng Long, 105 Láng Hạ, P. Láng Hạ, Q. Đống Đa, Hà Nội. Tại CenTech ông Nguyễn Trung Kiên sở hữu tới 40,854% cổ phần, nắm vị trí Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật.
Thời điểm tháng 4/2016, CenTech có vốn điều lệ là 14,725 tỷ đồng trong cơ cấu cổ đông của CenTech xuất hiện cổ đông ngoại là IDGVV34 Limited sở hữu 30% cổ phần. Nhà đầu tư này đăng ký địa chỉ tại thiên đường thuế Bristish Virgin Islands, với người đại diện là ông Nguyễn Hoàng Bảo (SN 1973, quốc tịch Hoa Kỳ).
Tìm hiểu cho thấy, CenTech là doanh nghiệp phát triển phần mềm nội dung số; dịch vụ quảng cáo; dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng. CenTech cũng có đối tác là Mobifone, Viettel, Vinaphone.
Cá nhân ông Nguyễn Trung Kiên đồng thời còn là cổ đông lớn giữ quyền chi phối tại Công ty CP CenTech Group và Công ty CP CenTech Interactive khi sở hữu 60% cổ phần tại mỗi doanh nghiệp này. Đây là các doanh nghiệp cũng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin như: đại lý dịch vụ viễn thông, cung cấp trò chơi điện tử, dịch vụ truy cập internet.
Như vậy có thể thấy ngoài các quỹ đầu tư nước ngoài thì doanh nghiệp “họ” CenTech chính là “lõi” của Gapit Communications được nắm giữ bởi nhóm cổ đông Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Đức Thắng, Lê Mạnh Hùng. Trong số này ông Kiên là cá nhân có vai trò lớn.